kết quả từ 1 tới 10 trên 10

Ðề tài: Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng về Kinh Dược Sư.

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #4

    Mặc định

    147

    “Các Quán đảnh vương hàng Sát-đế-lị, sống lâu mạnh khỏe, vô bệnh tự
    tại, lợi ích đều tăng”, các ách nạn đều qua khỏi, các ông hoàng sát-đế-lị, được tấn
    phong quán đảnh, ai nấy đều sống lâu, khang kiện, được tự tại vì vô bệnh, lợi ích
    đều tăng.
    “Này Tôn giả A-nan! Nếu mà các vị hoàng hậu hoàng phi, công chúa
    thái tử, vương tử đại thần, phụ tá cùng với thể nữ trong cung, các quan và
    dân, mắc bệnh chịu khổ, và ách nạn gì, cũng nên dựng cây phướn thần năm
    sắc, thắp đèn tiếp sáng, phóng sanh các loài”, Này ông A-nan! Nếu các hoàng
    hậu, hoàng phi, công chúa, trừ quân - tức là thái tử, người kế vị ngôi báu - các
    vương tử, các vị đại thần hoặc quan phụ tá, các thể nữ trong cung, hết thảy các
    quan cho đến thứ dân, vì bệnh hoạn mà đau khổ, hoặc giả vì các ách nạn khác, thời
    cũng phải dựng phướn thần năm sắc, đốt bốn mươi chín ngọn đèn, tiếp sáng luôn
    luôn không để đèn tắt, bày trước bảy pho tượng đức Dược Sư, rồi phải phóng sanh
    các loại, những chúng sanh sắp sửa phải chết.
    “Rải các thứ hoa, đốt các hương quý, bệnh thời khỏi hết, tai nạn giải
    thoát”, rải các loại hoa để cúng dường đức Dược Sư, đốt các loại hương quý như
    trầm thủy hương, trầm hương, đàn hương, chiên đàn hương loại nhãn “ngưu đầu”
    v.v.. Được vậy, mọi thứ bệnh đều hết, các thứ tai nạn đều được giải trừ.
    “Bấy giờ Tôn giả A-nan hỏi ngài Cứu Thoát:”, lúc bấy giờ Tôn giả A-
    nan lại hỏi Bồ tát Cứu Thoát; Ngài đại diện các chúng sanh mà hỏi thật kỹ càng:
    “Bạch thiện nam tử! Tại làm sao mà mạng người đã hết, có thể tăng thêm?”
    Bạch Thiện nam tử! Cớ làm sao người ta đã tới lúc tận mạng, mà đời sống còn
    được kéo dài thêm, sức khỏe còn được tốt thêm, lợi ích được cả hai đàng như vậy?
    Đó là điều khó hiểu.
    “Ngài Cứu Thoát nói: Bạch đại đức! Ngài há chẳng nghe Như Lai nói
    có chín thứ chết uổng ư? Bồ-tát Cứu Thoát đáp lại như sau: Này Đại đức! Chẳng
    lẽ Tôn giả chưa được nghe đức Như Lai nói về chín loại chết uổng (hoạnh tử) do
    148

    các tai vạ bất ngờ xảy đến hay sao? “Bởi vậy khuyên làm phướn đèn nối mạng,
    tu mọi phước đức. Vì tu phước đức không bị ách nạn tới lúc mạng chung”, bởi
    các lẽ ấy, kinh Phật mới khuyên các chúng sanh phải sắm phướn và đèn, tu mọi
    phước đức. Bởi sắm sửa các thứ cúng dường và làm những việc phước đức nên
    cuộc đời của họ chẳng gặp khổ nạn, không bị các cảnh chết uổng vì tai bay vạ gió.
    A-nan hỏi rằng: Chín loại chết uổng là như thế nào? Bồ-tát Cứu Thoát
    đáp lại như sau: Nếu các hữu tình, bệnh tuy không nặng, nhưng không gặp
    thầy, và không có thuốc, hoặc có gặp thầy, lại bị lầm thuốc, bệnh không đáng
    chết, mà bị chết uổng; lại như tin theo bọn thầy yêu nghiệt, tà ma ngoại đạo,
    nói bậy họa phước, sinh ra sợ hãi, lòng những hoang mang, coi bói tìm họa,
    giết các chúng sanh, để cầu thần giúp, gọi các yêu quái, nhờ chúng phù hộ,
    kéo dài mạng sống, rốt cuộc chẳng được, ngu si mê hoặc, tin điều tà vạy, đầu
    óc điên đảo, bèn chết bất kỳ, đọa vào địa ngục, chẳng biết ngày ra, đây là thứ
    nhất trong loại chết uổng.
    A Nan vấn ngôn: Cửu hoạnh vân hà? Cứu Thoát Bồ tát ngôn: Nhược
    chư hữu tình, đắc bệnh tuy khinh, nhiên vô y dược, cập khán bệnh giả,
    thiết phục ngộ y, thọ dĩ phi dược, thực bất ưng tử, nhi tiện hoạnh tử; hựu
    tín thế gian tà ma ngoại đạo yêu nghiệt chi sư, vọng thuyết họa phước,
    tiện sinh khủng động, tâm bất tự chánh, bốc vấn mịch họa, sát chủng
    chủng chúng sanh, giải tấu thần minh, hô chư võng lượng, thỉnh khất
    phước hựu, dục ký diên niên, chung bất năng đắc, ngu si mê hoặc, tín tà
    đảo kiến, toại linh hoạnh tử, nhập ư địa ngục, vô hữu xuất kỳ, thị danh sơ
    hoạnh.
    149

    “A-nan hỏi rằng: Chín loại chết uổng (hoạnh tử) là như thế nào?” ở trên
    ông A-nan có nghe nói tới chín lối chết uổng, nên ông hỏi thêm cho mọi người
    được biết một cách rành rẽ. Ông hỏi: Chín loại chết uổng là những loại nào?
    “Bồ-tát Cứu Thoát đáp lại như sau: Nếu các hữu tình, bệnh tuy không
    nặng, nhưng không gặp thầy, và không có thuốc”, Bồ-tát Cứu Thoát nói: như
    trường hợp các chúng sanh tuy mắc bệnh nhẹ, ví dụ cảm mạo vì gió, chẳng hạn, ho
    hay đau sơ sơ, nhưng không kiếm ra thuốc để điều trị, hoặc không có thầy thuốc
    đến trị bệnh cho.
    “Hoặc có gặp thầy, lại bị lầm thuốc, bệnh không đáng chết, mà bị chết
    uổng”, hoặc gặp được thầy thuốc thì trúng phải thầy thuốc dở, cho thuốc không
    đúng bệnh, kết quả bệnh không đáng chết mà bị chết uổng. Ví dụ như con bệnh
    đau bụng lại cho thuốc chữa mắt, hay vốn đau cổ họng lại cho thuốc đau đầu.
    Những loại y sĩ đó, nếu cho trị bịnh thì bệnh nhân chỉ có chóng chết mà thôi; “lại
    như tin theo bọn thầy yêu nghiệt, tà ma ngoại đạo”, lại còn tin theo bói toán,
    đoán số mạng, thuyết phong thủy v.v.. đó là những thuật của bàng môn, ngoại đạo;
    “nói bậy họa phước, sinh ra sợ hãi”, tin bọn thầy bùa quỷ quái, nói bậy bạ những
    điều họa phước, nên sinh lòng hoảng kinh. Đại khái họ nói những câu: “Cái này
    ghê lắm! Ông có thể bị tai nạn xe hơi đây! Trong vòng một trăm ngày, nhớ đừng
    có ra khỏi nhà nghe!” hoặc giả: “Ấy! Bà phải coi chừng, chồng bà ngoại tình đấy!”
    Toàn là những giọng điệu làm cho mọi người đương sợ hãi lại càng sợ thêm. Dọa
    người ta như vậy là họ muốn gì đây? Ý họ là thúc mọi người mau mau nhờ họ giúp
    đỡ.
    - Đây rồi! Tôi có cách này. Quý vị chỉ cần đưa cho tôi hai trăm ngàn, tôi có
    thể giải trừ hết tai nạn.
    150

    “Lòng những hoang mang, coi bói tìm họa”, bởi tâm hoang mang, mới đi
    coi bói toán, tìm thầy để hỏi: “Nhờ thầy coi giùm, khí sắc của tôi ra sao? Liệu tôi
    có gặp chuyện gì rắc rối không?” Thầy nói:
    - Không sao! Đưa cho tôi ba trăm.
    Mất ba trăm thì tai qua nạn khỏi. Thầy bói dặn phải làm những thứ gì?
    - Đi kiếm cho tôi một con mèo! Giết một con mèo thì hết nạn.
    “Giết các chúng sanh, để cầu thần giúp, gọi các yêu quái, nhờ chúng
    phù hộ”, họ xúi biểu như vậy đó! Xúi biểu giết hại chúng sanh, giết mèo giết
    chuột, họ nói để làm công đức cúng dường Diêm vương, để Diêm vương xá tội
    cho. Họ còn kêu các loài yêu quái, loại quỷ đầu trâu, mặt ngựa, nói là để nhờ
    chúng phù hộ cho khỏi bị tử vong.
    “Kéo dài mạng sống, rốt cuộc chẳng được”, dầu có muốn kéo dài tuổi
    thọ, nhưng đâu có làm được. Đó chính là: “ngu si mê hoặc, tin điều tà vạy, đầu
    óc điên đảo”, chỉ là một sự ngu si, u tối, tin điều càn rỡ, điên đảo; “bèn chết bất
    kỳ, đọa vào địa ngục, chẳng biết ngày ra, đây là thứ nhất trong loại chết
    uổng”, không những không khỏi bệnh mà còn mau chết, sau đó còn bị đọa địa
    ngục, chưa biết ngày nào mới ra khỏi được. Đó là kết quả của tà kiến, muốn sống
    thêm nên đã làm hại kẻ khác. Đây là loại chết uổng (hoạnh tử) thứ nhất.
    Hai là luật vua, bắt tội tử hình, ba là săn bắn, làm thú vui chơi, hoặc mê
    tửu sắc, chơi bời vô độ, bị loài phi nhân, đoạt mất tinh khí, bốn là hỏa tai, năm
    bị chết đuối, sáu là các loại ác thú cắn chết, bảy là sẩy chân từ các vách núi,
    tám bị thuốc độc, bị phải bùa ngải, hoặc quỷ thây ma, chín là gặp cảnh đói
    khát mà chết. Đó là chín loại, Như Lai đã nói. Ngoài ra chết uổng còn nhiều
    loại nữa không thể kể hết.
    151

    Nhị giả, hoạnh bị vương pháp chi sở tru lục. Tam giả, điền liệp hi hí,
    đam dâm thị tửu, phóng dật vô độ, hoạnh vi phi nhân đoạt kỳ tinh khí. Tứ
    giả, hoạnh vi hỏa phần. Ngũ giả, hoạnh vi thủy nịch. Lục giả, hoạnh vi
    chủng chủng ác thú sở đạm. Thất giả, hoạnh đọa sơn nhai. Bát giả hoạnh
    vi độc dược, yếm đảo chú trớ, khởi thi quỷ đẳng chi sở trúng hại. Cửu giả,
    cơ khát sở khốn, bất đắc ẩm thực, nhi tiện hoạnh tử. Thị vị Như Lai lược
    thuyết hoạnh tử, hữu thử cửu chủng, kỳ dư phục hữu vô lượng chư hoạnh,
    nan khả cụ thuyết.
    Phần trên nói về trường hợp chết uổng vì đau ốm mà không gặp thầy, không
    có thuốc, hoặc được thầy thuốc trị bệnh nhưng lại cho lầm thuốc, châm cứu hay mổ
    xẻ không đúng cách mà phải mạng vong. Bây giờ, nói đến “hai là luật vua, bắt tội
    tử hình”, loại thứ hai là trường hợp những người, chẳng biết có tội hay không có
    tội, chẳng biết oan hay ưng, nhưng bị pháp luật xử phải chết. Chẳng qua đấy là quả
    báo, cái quả của chín loại chết uổng.
    “Ba là săn bắn, làm thú vui chơi”, thứ ba nói đến những kẻ săn bắn, đi
    vào núi săn hươu, nai, các con thú rừng, hoặc giả bắn các thứ chim, coi đó là một
    thú tiêu khiển, hoặc là những kẻ “ham mê tửu sắc, chơi bời vô độ, bị loài phi
    nhân, đoạt mất tinh khí”, tham đắm sắc dục, không biết tiết chế, còn rượu thì
    uống vô chừng, đến khi đã say còn lái xe, rủi xe gặp nạn thì mình cũng uổng mạng.
    Bởi không có chừng mực, không biết tự chế, nên dễ bị các loài phi nhân cướp mất
    tinh khí. Phi nhân là chỉ các giống yêu tinh, như sơn tinh thủy quái; chúng chẳng
    kể gì đạo lý, chúng đoạt lấy tinh khí của người để tu luyện nhằm kéo dài sanh
    mạng của chúng.
    “Bốn là hỏa tai”, thứ tư là chết vì lửa đốt, có thể là cháy nhà rồi bị nạn.
    “Năm bị chết đuối”, thứ năm là chết đuối.
    152

    “Sáu là các loại ác thú cắn chết”, thứ sáu là trường hợp bị ác thú cắn, hoặc
    giả bị chó sói ăn thịt, bị hổ vồ, bị rắn cắn.
    “Bảy là sẩy chân từ các vách núi”, thứ bảy là sẩy chân trên vách đá và rớt
    xuống chết uổng.
    “Tám bị thuốc độc, bị phải bùa ngải, hoặc quỷ thây ma”, thứ tám là
    những trường hợp như uống phải chất độc, hoặc bị người ta làm pháp yểm. Đại
    khái pháp yểm như sau: người ta làm một hình nộm bằng rơm, lấy một tờ giấy ghi
    rõ giờ, ngày, tháng và năm sanh của nạn nhân rồi dán vào hình nộm. Sau đó người
    ta bắn tên vào người nộm, cứ như vậy trong suốt một trăm ngày thì nạn nhân sẽ
    chết; có người mắc bùa chú cũng bị chết uổng (hoạnh tử); đây là tà chú, khi niệm
    những chú đó để làm hại người nào thì tâm thần của nạn nhân không còn làm chủ
    được mình, thường thường đi tới chỗ tự sát; lại có những câu chú sai khiến con quỷ
    dựng được các thây ma đứng dậy rồi đi lại trong đêm khuya, đó là trường hợp quỷ
    thây ma (thi quỷ).
    “Chín là gặp cảnh đói khát mà chết”, thứ chín là chết vì đói khát. Đói mà
    không có gì để ăn, khát không có gì để uống, bởi cơ sự đó mà bị chết uổng.
    “Đó là chín loại, Như Lai đã nói. Ngoài ra chết uổng còn nhiều loại nữa
    không thể kể hết”, đó là những điều Phật tóm lược về chín loại chết uổng, còn
    như nói rộng ra nữa thì còn nhiều các nạn khác, không sao kể cho đủ được.
    Nói về chín loại chết uổng (hoạnh tử) thì ngày nay trên thế gian không thiếu
    gì nạn nhân đã mắc phải cảnh này. Đó chẳng phải là điều ngẫu nhiên, mà là kết quả
    của những hành động coi thường nhân quả của họ ngày trước. Tỷ dụ trường hợp
    uống lầm thuốc chẳng hạn. Cớ làm sao lại xảy ra chuyện đó? Chính là trong một
    kiếp nào đó, họ đã dùng thuốc độc để hại người. Đã từng gieo cái nhân hại người
    như vậy thời kiếp này phải chết uổng vì lầm thuốc, vì giải phẫu không đúng cách,
    vì châm cứu sai.
    153

    Lại như kẻ tử tội. Đây là do phán quyết của luật pháp. Lý ưng pháp luật phải
    công bằng, nhưng trong trường hợp chết uổng này thì có thể là oan, nên cho tới lúc
    chết mà nạn nhân cũng không biết lý do tại sao.
    Thứ ba nói về thú đi săn. Người ta kéo vào núi để săn bắn. Các loại cầm thú
    đều chạy một cách điên cuồng, chạy thục mạng, nhưng không chạy khỏi cái chết.
    Ai mà nhẫn tâm khi chứng kiến thảm trạng như vậy! Lại coi đó là một thứ tiêu
    khiển, lấy sanh mạng chúng sanh làm trò du hý, thực là vô lý hết sức! Lại như đam
    mê tửu sắc, ham rượu và sắc dục một cách phóng đãng quá độ, dẫn tới sự say sưa,
    mất tự chủ rồi làm mồi cho loại phi nhân. Phi nhân nghĩa là không phải giống
    người, là loại yêu quái, chuyên hút lấy tinh khí của người. Một khi quý vị bị đoạt
    tinh khí thì quý vị đã mất hết “xăng nhớt” (gasoline) của quý vị rồi còn gì!
    Thứ tư là hỏa tai, nạn nhân bị lửa thiêu chết. Nguyên nhân nào vậy? Chỉ vì
    trước đây quý vị thích ăn thịt “barbecue”, thịt nướng. Nướng thịt kẻ khác thì bây
    giờ mình bị nướng lại.
    Thứ năm là thủy tai, bị chết đuối. Đó là quả báo về những hành động thuở
    trước đã dìm các sinh linh chết ngộp dưới nước. Tỷ dụ quý vị cho đàn kiến chết
    chìm dưới nước, rồi một ngày nào đó đích thân quý vị cũng sẽ có dịp được thí
    nghiệm cảnh bị dìm dưới nước nó ra sao. Lúc đó, khi bị nếm mùi rồi, thân quý vị
    chìm sâu dưới nước, quý vị chỉ còn uống nước cho bụng quý vị trương lên, vậy là
    xong cuộc đời.
    Thứ sáu là bị ác thú cắn. Quả báo này phát sinh từ kiếp xưa ở cái nết độc ác
    thích ăn thịt các loãi dã thú như chồn, óc khỉ, chân gấu nướng trên lửa v.v.. nên
    kiếp này bị dã thú ăn thịt lại. Lại nói ăn cá, phải chọn cá còn đương quậy nhẩy, ăn
    tươi như vậy mới ngon! Kết quả bây giờ mới đổi thành nạn nhân của các con thú.
    Súc vật cũng có loại ngôn ngữ của súc vật và biết đâu, khi ăn thịt nạn nhân chúng
    cũng nhấm nháp, khen ngon: “Ồ! Thịt anh này ngon ghê! Món tiết canh cũng ngon
    nữa!” Và chúng cũng xúm lại tranh nhau ăn.
    154

    Thứ bảy là sẩy chân nơi vách núi. Cớ làm sao ra cơ sự này? Đó là quả báo
    của hành động cướp giật năm xưa. Lấy túi tiền của người ta chưa đủ, còn thừa lúc
    sơ ý, xô người ta xuống vực sâu. Tôi có một số người bạn đồng học hồi đó cũng có
    người bị kẻ gian xô xuống vách núi, may mà họ tin Phật nên không bị rớt xuống
    vực sâu. Sau đó họ leo lên được thoát nạn. Chuyện này tôi biết rõ lắm.
    Thứ tám là bị đầu độc. Lý do chết uổng này là do kiếp trước quý vị đã tìm
    cách đầu độc người khác, quý vị muốn khống chế người ta, nay thì quý vị bị người
    khác khống chế lại. Chúng ta có câu: “nhân nào thì quả ấy”, quý vị gây ra nghiệp
    nào thì lãnh quả của nghiệp ấy. Bởi vậy cho nên mới xảy ra chuyện bùa ếm. Người
    ta làm những hình nộm, trong đó họ để sợi tóc hay móng tay của nạn nhân, hay họ
    ghim một tờ giấy trên có ghi tám chữ (bát tự) thuộc về năm sanh, tháng sanh, ngày
    sanh và giờ sanh của nạn nhân (theo âm lịch, năm tháng ngày giờ đều được ghi
    bằng can và chi như Giáp tý, Ất sửu v.v..). Người ta trù ếm bằng cách bắn tên,
    hoặc đốt, hoặc chôn hình nộm này, đại khái tượng trưng cách chết uổng của nạn
    nhân.
    Còn quỷ thây ma (thi quỷ) là nói tới trường hợp có người niệm chú làm cho
    một thây ma đứng dậy và làm theo đúng sự sai khiến của người đó, ví dụ họ nói
    như sau: “Vào đêm nay, ngươi phải đi cho ta một trăm dặm, ta sẽ có mặt ở chỗ ấy,
    chỗ ấy... đợi ngươi”. Dưới hiệu lực của câu chú thây ma cứ theo đúng lệnh, đứng
    dậy rồi đi giống như một người còn sống vậy.
    Loại thứ chín là chết đói, chết khát, chết lạnh, chết nóng. Có những địa
    phương gặp nạn đói, không có gì để ăn, nên rất đông người bị đói mà chết. Những
    người đó cứ há miệng ra cười khanh khách, họ cười xong là chết. Tại sao họ cười
    vậy? Như là họ muốn nói: “Bà con hãy coi tôi đây! Kiếp xưa tôi đã bỏ đói mọi
    người nên bây giờ tôi gặp quả báo này. Các người biết chưa?” Đại khái là như vậy,
    họ muốn bảo: “Các người hãy coi tôi làm gương, đừng có bắt chước tôi.” Thật là
    nhân nào quả ấy, không sai mảy may.
    155

    Lại nữa A-nan! Vua Diêm-ma ấy, giữ sổ danh bộ, của người thế gian,
    nếu các hữu tình, bất hiếu ngũ nghịch, làm xấu Tam Bảo, hại phép quân thần,
    hủy điều tín giới, thời vua Diêm-ma, tùy tội nặng nhẹ, xét hỏi xử phạt, bởi vậy
    nay ta, khuyên các hữu tình, đốt đèn dựng phướn, phóng sanh tu phước, để
    vượt ra khỏi khổ ách tai nạn.
    Bấy giờ trong chúng, có mười hai vị đại tướng dược xoa, cùng ngồi
    trong tòa, đó là: Đại tướng Cung Tỳ La, Đại tướng Phạt Chiết La, Đại tướng
    Mê Xi La, Đại tướng An Để La, Đại tướng Ngạch Nễ La, Đại tướng San Để
    La, Đại tướng Nhân Đạt La, Đại tướng Ba Di La, Đại tướng Ma Hổ La, Đại
    tướng Chân Đạt La, Đại tướng Chiêu Đỗ La, Đại tướng Tỳ Yết La; đó là mười
    hai đại tướng dược xoa, mỗi vị kèm theo bảy ngàn dược xoa, là những quyến
    thuộc, tất cả đồng thanh, cùng bạch Phật rằng: Thế Tôn! Ngày nay chúng con,
    nhờ oai lực Phật, được nghe danh hiệu Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như
    Lai, nên không còn sợ các nẻo đường ác. Tất cả chúng con đều cùng một lòng,
    cho tới hết đời, quy Phật Pháp Tăng, thề xin giúp đỡ hết thảy hữu tình, lợi ích
    an lạc. Chẳng kể ở đâu, làng hay thành thị, các nước các ấp, trong chốn rừng
    hoang, nếu có kinh này, lưu truyền ở đấy, hoặc như có người thọ trì danh hiệu
    Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, cung kính cúng dường, quyến thuộc chúng
    tôi, phù hộ người đó, giúp họ giải thoát hết mọi tai nạn, những điều nguyện
    cầu, cũng cho toại nguyện. Hoặc người nào muốn, thoát khỏi các thứ tật ách
    thời nên đọc tụng kinh này, lấy chỉ năm sắc, kết tên chúng tôi, khi nào toại
    nguyện mới gỡ mối chỉ.
    Phục thứ A Nan! Bỉ Diêm ma vương, chủ lĩnh thế gian danh tịch chi
    ký, nhược chư hữu tình, bất hiếu ngũ nghịch, phá nhục Tam Bảo, hoại
    156

    quân thần pháp, hủy ư tín giới, Diêm ma pháp vương, tùy tội khinh trọng,
    khảo nhi phạt chi, thị cố ngã kim khuyến chư hữu tình, nhiên đăng tạo
    phan, phóng sanh tu phước, linh độ khổ ách, bất tao chúng nạn.
    Nhĩ thời chúng trung hữu thập nhị Dược Xoa đại tướng, câu tại hội
    tòa, sở vị: Cung Tỳ La đại tướng, Phạt Chiết La đại tướng, Mê Xi La đại
    tướng, An Để La đại tướng, Ngạch Nễ La đại tướng, San Để La đại tướng,
    Nhân Đạt La đại tướng, Ba Di La đại tướng, Ma Hổ La đại tướng, Chân Đạt
    La đại tướng, Chiêu Đỗ La đại tướng, Tỳ Yết La đại tướng, thử thập nhị
    Dược Xoa đại tướng, nhất nhất các hữu thất thiên Dược Xoa, dĩ vi quyến
    thuộc, đồng thời cử thanh bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Ngã đẳng kim giả,
    mông Phật uy lực, đắc văn Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai danh
    hiệu, bất phục cánh hữu ác thú chi bố, ngã đẳng tương suất, giai đồng
    nhất tâm, nãi chí tận hình, quy Phật Pháp Tăng, thệ đương hà phụ nhất
    thiết hữu tình, vị tác nghĩa lợi, nhiêu ích an lạc, tùy ư hà đẳng thôn thành
    quốc ấp, không nhàn lâm trung, nhược hữu lưu bố thử kinh, hoặc phục thọ
    trì Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai danh hiệu, cung kính cúng dường giả,
    ngã đẳng quyến thuộc, vệ hộ thị nhân, giai sử giải thoát nhất thiết khổ
    nạn, chư hữu nguyện cầu, tất linh mãn túc, hoặc hữu tật ách, cầu độ thoát
    giả, diệc ưng độc tụng thử kinh, dĩ ngũ sắc lũ, kết ngã danh tự, đắc như
    nguyện dĩ, nhiên hậu giải kết.
    “Phục Lại nữa A-nan! Vua Diêm-ma ấy, giữ sổ danh bộ, của người thế
    gian”, ông A-nan! Lại còn điều này nữa, ông vua Diêm-la kia quản lý các danh bộ
    của người thế gian, cả danh bộ dương và danh bộ âm; “nếu các hữu tình, bất hiếu
    ngũ nghịch”, nếu những ai ăn ở không hiếu thảo với cha mẹ, phạm mười điều ác,
    157

    hoặc phạm tội ngũ nghịch. Ngũ nghịch là sao? Đó là các tội: giết cha là một, giết
    mẹ là hai, giết thầy là ba - giết thầy cũng như giết A-la-hán - phá sự hoà hợp của
    Tăng đoàn là bốn và làm chảy máu Phật là năm.
    Giết sư phụ của mình là một tội trong ngũ nghịch. Tôi giảng cho quý vị nghe
    như vậy thì tôi dám chắc không ai dám giết tôi đâu. Giết A-la-hán cũng được coi
    như tội ngũ nghịch thứ ba này. Bây giờ đến tội phá hòa hợp Tăng, có thể lấy thí dụ
    như sau: trong đạo tràng các Tăng chúng đương sống trong sự yên ổn, hoan hỷ,
    quý vị đến nơi ấy phá hoại sự an lạc của họ. Còn tội làm chảy máu Phật thì nay
    Phật không còn trụ thế, tội này bao gồm những hành động như phá hủy hình và
    tượng của Phật, hoặc giả đập bể tượng Phật bằng đất, đốt tượng Phật bằng gỗ, như
    vậy gọi là làm chảy máu Phật. Đây chỉ kể những việc làm cố ý. Nếu chỉ vì vô ý mà
    gây nên sự hư hại đến tượng Phật thì không có tội. Quý vị nên lưu ý điểm này, về
    sau đừng có hồ đồ la hoảng lên: “Tôi làm bể tượng Phật mất rồi, làm sao bây giờ?
    Tôi có bị đọa địa ngục không? Sư phụ ơi! Cứu con với!” Cái đó là very stupid!
    (quá ngu ngốc).
    “Làm xấu (phá nhục) Tam Bảo”, gây điều tiếng xấu cho Tam Bảo, đại
    khái nói những câu: “Phật là mê tín, người nào tin Phật là mê tín. Mấy người xuất
    gia chẳng tu gì hết, chẳng giữ giới gì cả. Ồ! Những kinh điển bảo là do Phật nói,
    toàn là đời sau ngụy tạo cả”. Đó là những hành động “phá nhục Tam Bảo”; “hại
    phép quân thần, hủy điều tín giới”, làm hại nghĩa vua tôi, hủy hoại tín giới, tức
    là sự ngay thẳng. Tỷ dụ bảo rằng: “Chẳng cần thủ tín làm gì, cứ nói dối đại đi! Chỉ
    lần này thôi!” Đại khái là như vậy xúi biểu người khác nói láo, chẳng giữ sự trung
    thực.
    “Thời vua Diêm-ma, tùy tội nặng nhẹ, xét hỏi xử phạt”, vua Diêm-la lúc
    đó sẽ tùy theo tội nặng hay nhẹ, xem xét rồi xử phạt kẻ có tội; “bởi vậy nay ta,
    khuyên các hữu tình, đốt đèn dựng phướn, phóng sanh tu phước, để vượt ra
    khỏi khổ ách tai nạn”, bởi vậy ta nay khuyên các hữu tình nên đốt đèn, bốn mươi
    158

    chín ngọn, dựng phướn trường thọ, rồi phóng sanh các loại để tu phước, khiến cho
    các khổ ách sẽ được vượt qua, không còn gặp tai nạn gì nữa.
    “Bấy giờ trong chúng, có mười hai vị đại tướng dược xoa, cùng ngồi
    trong tòa”, lúc bấy giờ trong chúng có mười hai vị đại tướng dược xoa, tức quỷ
    dạ-xoa loài quỷ chạy nhanh, cùng có mặt tại pháp hội; “đó là”:
    “Cung Tỳ La đại tướng, chữ “la” có khi đọc là “loa”
    Phạt Chiết La đại tướng,
    Mê Xi La đại tướng,
    An Để La đại tướng,
    Ngạch Nễ La đại tướng,
    San Để La đại tướng,
    Nhân Đạt La đại tướng,
    Ba Di La đại tướng,
    Ma Hổ La đại tướng,
    Chân Đạt La đại tướng,
    Chiêu Đỗ La đại tướng,
    Tỳ Yết La đại tướng” ,
    “Đó là mười hai đại tướng dược xoa, mỗi vị kèm theo bảy ngàn dược
    xoa, là những quyến thuộc, tất cả đồng thanh:”, đó là mười hai vị đại tướng
    dược xoa, mỗi vị có một đoàn quyến thuộc là bảy ngàn dược xoa, tất cả đều đồng
    thanh bạch lên Phật rằng: “Thế Tôn! Ngày nay chúng con, nhờ oai lực Phật,
    được nghe danh hiệu Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”, bạch Thế
    Tôn! Chúng con nay nhờ oai lực của Phật, được nghe đến danh hiệu của đức Dược
    Sư Lưu Ly Quang Như Lai; “nên không còn sợ các nẻo đường ác”, do đó chúng
    con không còn sợ rơi vào các cảnh giới ác nữa (tam ác đạo); “Tất cả chúng con
    đều cùng một lòng, cho tới hết đời, quy Phật Pháp Tăng, thề xin giúp đỡ hết
    thảy hữu tình, lợi ích an lạc”, chúng con tất cả đều cùng một lòng quy Phật Pháp
    159

    Tăng cho đến hết đời và thề xin gánh vác việc giáo hóa chúng sanh, giúp đỡ họ,
    mang cho họ nhiều lợi ích để họ được sống trong sự yên ổn và hoan lạc.
    “Nếu có kinh này, lưu truyền ở đấy, hoặc như có người thọ trì danh
    hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”, bất kể nơi nào, ở thôn trang, thành thị,
    các nước, các ấp, hoặc giả trong rừng hoang vắng, nếu ở những nơi đó có lưu
    truyền kinh này, hoặc có người thọ trì danh hiệu đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như
    Lai; “cung kính cúng dường, quyến thuộc chúng tôi, phù hộ người đó, giúp họ
    giải thoát hết mọi tai nạn”, và cung kính cúng dường, thì quyến thuộc chúng con
    sẽ che chở cho họ, giúp họ giải thoát khỏi mọi khổ nạn.
    “Những điều nguyện cầu, cũng cho toại nguyện”, những điều gì họ cầu
    mong đều giúp cho họ toại nguyện; “hoặc người nào muốn, thoát khỏi các thứ
    tật ách thời nên đọc tụng kinh này, lấy chỉ năm sắc, kết tên chúng tôi, khi nào
    toại nguyện mới gỡ mối chỉ”, hoặc giả khi gặp tật bệnh mà muốn vượt qua thì nên
    đọc tụng kinh này, nghĩa là kinh Bổn nguyện Công Đức của đức Thế Tôn Dược Sư
    Lưu Ly quang Như Lai, lấy chỉ năm màu (ngũ sắc), kết thành tên của chúng tôi.
    Khi nào toại nguyện thì mới gỡ mối chỉ ra.
    Đây cũng là một loại pháp chú. Pháp chú chẳng phải nhất định thuộc Mật
    tông. Những người theo Mật tông cố ý huyền bí hóa tông của họ nên mới lấy tên là
    Mật tông. Sự thật chú có nghĩa là chú nguyện, một sự nguyện cầu hay cầu đảo. Chỉ
    năm sắc thì tượng trưng cho năm phương hướng, mỗi phương hướng có một ma
    vương. Khi năm sợi chỉ kết lại thành một mối thì nó mang biểu hiện của sự an ổn
    đến cho những tình trạng bất an ổn. Chỗ này các vị đại tướng dược xoa phát
    nguyện rằng nếu có người dùng chỉ năm màu kết thành tên của họ thì họ sẽ làm
    cho lời cầu nguyện của người đó được thỏa mãn.
    Khi được thỏa nguyện rồi thì nên gỡ các mối chỉ ra, theo ý nghĩa là thỉnh
    thần đến thì có lúc phải tiễn thần đi. Nếu cứ giữ mãi các mối kết chỉ thì thần dược
    xoa vẫn cứ ở nguyên tại chỗ, khiến cho thần không được tự do. Khi đã được tai qua
    160

    nạn khỏi thì chúng ta đừng có tham, cố giữ họ lại, cái đó không tốt. Bởi vậy họ mới
    nói khi nào hết cần thì gỡ mối chỉ ra.
    Bấy giờ Thế Tôn tán dương các vị Đại tướng dược xoa: Tốt lắm! Tốt
    lắm! Đại tướng dược xoa! Các ông báo đáp ơn đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly
    Quang Như Lai, thường nên như vậy lợi ích an lạc cho khắp hữu tình.
    Nhĩ thời Thế Tôn tán chư dược xoa Đại tướng ngôn: Thiện tai! Thiện
    tai! Đại dược xoa tướng, nhữ đẳng niệm báo Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly
    Quang Như Lai ân đức giả, thường ưng như thị lợi ích an lạc nhất thiết hữu
    tình.
    “Bấy giờ Thế Tôn tán dương các vị Đại tướng dược xoa: Tốt lắm!
    Tốt lắm! Đại tướng dược xoa!”, lúc bấy giờ, đức Phật nghe các Đại tướng dược
    xoa phát nguyện như vậy nên khen rằng: Tốt lắm! Tốt lắm; “Các ông báo đáp ơn
    đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thường nên như vậy lợi ích an
    lạc cho khắp hữu tình”, đức Phật bảo mười hai ông Đại tướng dược xoa rằng: các
    ông không quên ân đức của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, muốn báo đáp
    ân đức đó, thời phải luôn luôn nhớ lời phát nguyện này mà mang lại lợi ích an lạc
    cho mọi hữu tình, cho họ lìa khổ được vui.
    Nhĩ thời A Nan bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Đương hà danh thử pháp
    môn? Ngã đẳng vân hà phụng trì? Phật cáo: A Nan! Thử pháp môn danh
    thuyết ‘Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức’, diệc danh
    thuyết ‘Thập Nhị Thần Tướng Nhiêu Ích Hữu Tình Kết Nguyện Thần Chú’;
    161

    diệc danh ‘Bạt Trừ Nhất Thiết Nghiệp Chướng’, ưng như thị trì. Thời Bạc
    Già Phạm thuyết thị ngữ dĩ, chư Bồ tát ma-ha-tát, cập đại Thanh văn, quốc
    vương, đại thần, bà-la môn, cư sĩ, thiên long dược xoa, kiện thát phược, a-
    tố-lạc, yết lộ trà, khẩn nại lạc, mạc hô lạc già, nhân phi nhân đẳng, nhất
    thiết đại chúng, văn Phật sở thuyết, giai đại hoan hỷ, tín thọ phụng hành.
    Bấy giờ A-nan bạch đức Phật rằng: Thế Tôn! Pháp môn này nên đặt tên
    là gì, và chúng con phải phụng trì ra sao? Phật bảo A-nan: Pháp môn này gọi
    là pháp nói ‘Những Công Đức Bổn Nguyện Của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang
    Như Lai’, cũng gọi là pháp nói ‘Thần Chú Kết Nguyện Của Mười Hai Vị
    Thần Tướng Lợi Ích Hữu Tình’, cũng gọi là pháp ‘Bạt Trừ Hết Thảy Mọi
    Thứ Nghiệp Chướng’, phải nên phụng trì theo cách như vậy. Khi Bạc-già-
    phạm nói lời ấy rồi, các đại Bồ-tát và đại Thanh văn, quốc vương, đại thần,
    bà-la-môn, cư sĩ, thiên long, dược xoa, kiện-thát-phược, a-tố-lạc, yết-lộ-trà,
    khẩn-nại-lạc, mạc-hô-lạc-già, nhân và phi nhân, hết thảy đại chúng, nghe lời
    Phật nói, đều vui mừng lớn, tin nhận phụng hành.
    “Bấy giờ A-nan bạch đức Phật rằng: Thế Tôn!” lúc bấy giờ, sau khi đức
    Phật nói những lời tán thán các vị Đại tướng dược xoa, thì vị Tôn giả Khánh Hỷ,
    tức là Đại đức A-nan, mới bạch lên Phật rằng: “Pháp môn này nên đặt tên là
    gì?”, Kinh này gọi là kinh gì? Pháp môn là pháp môn gì? Tên của kinh này nên đặt
    là gì?; “Chúng con phải phụng trì ra sao?”, chúng con phải thọ trì và đọc tụng
    Kinh này như thế nào?
    “Phật bảo A-nan: Pháp môn này gọi là pháp nói ‘Những Công Đức Bổn
    Nguyện Của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai’”, đức Phật từ bi bảo Tôn
    giả A-nan rằng tên của kinh này gọi là công đức các lời nguyện kiếp xưa, tức bổn
    162

    nguyện của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai; “cũng gọi là pháp nói
    ‘Thần Chú Kết Nguyện Của Mười Hai Vị Thần Tướng Lợi Ích Hữu Tình’”,
    cũng có thể gọi là những lời nguyện của mười hai vị thần tướng dược xoa, dùng
    chú “Dược Sư Quán Đảnh Chân-ngôn” nhằm lợi ích cho các hữu tình; “cũng gọi
    là pháp ‘Bạt Trừ Hết Thảy Mọi Thứ Nghiệp Chướng’”, cũng gọi là bạt trừ hết
    thảy mọi nghiệp chướng; “phải nên phụng trì theo cách như vậy (ưng như thị
    trì)”, theo đúng như vậy mà thọ trì.
    “Khi Bạc-già-phạm”, lúc ấy, đức Bạc-già-phạm, đây là một danh hiệu
    khác của Phật; “nói lời ấy rồi, các đại Bồ-tát và đại Thanh văn”, nói xong
    những lời trên, các Bồ-tát ma-ha-tát - tức là các đại Bồ tát trong hàng Bồ tát - cùng
    các đại Thanh văn, tức các vị tu pháp Tứ đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo, tức nói các vị
    trong hàng A-la-hán; “quốc vương, đại thần, bà-la-môn”, vua, quan và ba-la-
    môn, tức hàng quý tộc, “cư sĩ, thiên long dược xoa”, các cư sĩ có đức hạnh, trời ,
    rồng, dạ xoa, cùng với: “kiện-thát-phược, a-tố-lạc, yết-lộ-trà, khẩn-nại-lạc,
    mạc-hô-lạc-già”, tức là càn-thát-bà, a-tu-la, khẩn-na-la, ca-lâu-la, ma-hầu-la-già;
    “nhân phi nhân đẳng”, người và những loại không phải là người; “hết thảy đại
    chúng, nghe lời Phật nói, đều vui mừng lớn, tin nhận phụng hành”, hết thảy
    đại chúng trong pháp hội, nghe Phật nói Kinh Công Đức Các Bổn Nguyện Của
    Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, đều vui mừng khôn xiết, hết lòng tin lời
    Phật dạy để thọ trì và tuân hành.
    ※※※
    ※※※
    ※※※
    Như vậy là tối hôm nay đã lược giảng xong bộ Kinh Công Đức Các Bổn
    Nguyện của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Quý vị có ý kiến gì không? Nếu
    có, chúng ta cứ mang ra đây để tất cả cùng nghiên cứu, cùng trao đổi ý kiến với
    nhau để mở rộng thêm trí huệ. Không phải quý vị chỉ biết ngồi nghe một mình tôi
    163

    nói. Từ lúc bắt đầu nghe giảng cho đến bây giờ, ai thấy có điều gì gọi là nghi vấn,
    hoặc có ý kiến gì đặc biệt, thì xin nêu ra, để chúng ta cùng thảo luận.
    Hai vị Phật, một vị ở phương đông là đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai,
    một vị ở phương tây là đức A-di-đà Như Lai. Ở phương đông là Phật A-súc, cũng
    là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai; ở phương tây là đức Phật A-di-đà, giáo chủ
    của pháp môn Tịnh độ.
    Hai vị Phật, một vị thuộc Kim Cang bộ, một vị thuộc Liên Hoa bộ; đặc điểm
    trong bộ Kim Cang là pháp “hàng phục”, còn trong bộ Liên Hoa là pháp “nhiếp
    thọ”.
    Pháp hàng phục trong bộ Kim Cang, còn gọi là pháp “chiết phục” thì lấy
    lòng hỷ xả để đưa chúng sanh đến chỗ quy thuận, trong khi đó, pháp nhiếp thọ của
    bộ Liên Hoa thì lấy lòng từ bi để thâu phục chúng sanh.
    Tại sao Kim Cang bộ lại đặt trọng tâm vào hỷ và xả? Số là khi Phật hàng
    phục thiên ma và ngoại đạo, Ngài không có tâm sân hận. Ngài dùng tâm hỷ và xả,
    một phương cách đối trị để giáo hóa, khiến chúng bỏ đường tà để theo về chánh
    pháp. Mục đích của Phật là dẫn dắt chúng tới chỗ thoát vòng sanh tử.
    Lấy từ bi để nhiếp thọ, lấy hỷ xả để hàng phục, trong công cuộc giáo hóa
    chúng sanh chứng tỏ rõ công năng của các pháp “tứ vô lượng tâm”.
    Tinh thần của Kim Cang thường biểu lộ qua cặp mắt trợn lên một cách giận
    dữ. Thật ra cặp mắt tuy giận dữ mà lòng không giận dữ, chỉ thuần có hỷ và xả,
    hoan hỷ và bao dung. Còn như hình Bồ tát với cặp mắt nhìn xuống là hoàn toàn
    không có ý nghĩa giận dữ. Phật A-di-đà đối với chúng sanh không giận dữ, Ngài
    không dùng phương cách hàng phục mà dùng tâm từ bi để tiếp dẫn chúng sanh.
    Trong nghi thức “Thiền môn nhật tụng”, có câu chú gọi là “Nhị Phật chú”,
    như sau:
    Nhị Phật diễn hóa tại Ta-bà
    164

    Đông A-súc, Tây Di-đà
    Thập tam điều đại giới phạm ba-la
    Phạ Diêm-la
    Cần sám hối
    Tội tiêu ma.
    (Tạm dịch: Hai vị Phật giáo hóa cõi Ta-bà. Phía đông là Phật A-súc, phía
    tây là Phật A-di-đà, Mười ba điều phạm giới Ba-la-di, nếu sợ vua Diêm-la thì phải
    sám hối. Tội sẽ tiêu tan)
    Theo nguyên tắc, ai phạm giới Ba-la-di thì không sám hối được, tuy nhiên
    nếu có tâm sám hối chân thực thì tội cũng có thể tiêu tan. “Nhị Phật chú” thuộc về
    “câu triệu pháp môn”. Chữ “câu” là giữ lại, “triệu” là gọi đến. Giả dụ có người bị
    ma chướng hay bị quỷ ám, nếu đọc chú lên thì có thể gọi được quỷ tới. Chú này rất
    linh nghiệm, có điều rất ít người biết đến và cũng không biết cách niệm chú.
    Trong Phật giáo còn có “Phổ am chú” thuộc loại pháp hàng phục. Truyền
    thuyết kể lại rằng Tổ sư Phổ Am lúc xưa là một người giết heo. Sau người đi tu,
    không còn giết heo nữa, người bèn dùng mười hai con dao giết heo, luyện thành
    phi đao, tức là dao bay. Khi niệm chú Phổ Am lên thì những con dao giết heo kia
    sẽ bay lên không gian, khiến tà ma đều sợ hãi, bởi vậy chú Phổ Am thuộc loại pháp
    hàng phục.
    “Dược Sư Quán Đảnh Chân Ngôn” của kinh này cũng là một phần trong
    Nhị Phật chú. Chân ngôn có oai lực giải trừ hết thảy các chất độc, làm tiêu tan mọi
    thứ tội. Gặp ai trúng độc, quý vị niệm chú lên, chất độc sẽ được giải trừ. Có điều,
    quý vị phải thành tâm mới có hiệu nghiệm. Trong kinh Công Đức Các Bổn Nguyện
    Của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thì chú này rất quan trọng. Kinh thì dài,
    nhiều lúc gấp gáp không đủ thì giờ để đọc tụng toàn cả bộ kinh, nên người ta phải
    chọn phần nào ngắn gọn và chủ yếu. Người ta chọn chú “Dược Sư Quán Đảnh
    Chân Ngôn” là vì lý do đó. Bởi có duyên lành nên chúng ta mới gặp được Pháp
    165

    môn này. Chúng ta phải thường thường trì tụng chú “Dược Sư”, giúp chúng ta
    tránh mọi thứ tai nạn, căn lành còn thêm tăng trưởng.
    Chúng ta nên thay phiên nhau nói pháp, không lẽ cứ để cho một mình tôi nói
    pháp hoài. Tôi muốn được nghe quý vị lớn tuổi nói pháp. Tại nước Mỹ, điều này
    chưa từng xảy ra, nhưng nay chúng ta phải cố gắng dụng công để vươn lên, nghiên
    cứu sâu rộng Phật Pháp rồi thay thế tôi trên giảng tòa. Ai cũng có kinh nghiệm
    riêng của mình và đây là một dịp để trao đổi kinh nghiệm với nhau, bởi sự thể hội
    vào các cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn của Phật Pháp tùy thuộc căn duyên của từng
    người. Quý vị cần phải mạnh dạn lên, trước mặt đại chúng cứ việc công khai bộc
    bạch hết những điều mình tâm đắc. Điều đó quý lắm! Tựa như chúng ta nói những
    chuyện bình thường trong gia đình với nhau, không có điều gì câu thúc. Không bị
    câu thúc, không chướng ngại, có như vậy mới tiếp thâu được chỗ kỳ diệu trong
    Phật Pháp.
    Thế giới này đầy khổ ải. Trong kinh A-di-đà có mấy chữ “ngũ trược ác thế”,
    đó là kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược và mạng trược.
    Kiếp trược là sao? Đó là một thời đại không trong sạch, nhiều sự ô nhiễm.
    Thời gian thì như vậy, còn không gian cũng bị ô nhiễm nữa. Bây giờ không khí
    đương bị ô nhiễm. Chúng ta cũng là một loài chúng sanh mang khí huyết trong cơ
    thể, đều phải hít thở không khí đó, dù quý vị muốn hay không muốn. Không có
    biện pháp nào làm cho không khí trong sạch được. Khí độc đầy rẫy, mùi tử khí
    nặng nề. Không có một địa phương nào được sống trong cảnh an lạc, chỗ nào cũng
    thấy bạo lực, khủng bố, giết người, đốt nhà, cướp của, trộm cắp, có những độc tố
    như vậy thì con người tránh sao khỏi cảnh điên cuồng. Kẻ không bị điên thì cũng
    không thể sung sướng được. Sống trong thế giới đó thì có khác gì sống trong say
    mà chết trong mộng vậy! Có cách nào làm khác được đâu!
    166

    Nói về kiến trược thì hãy xem như không khí đã ô nhiễm, thời gian ô nhiễm,
    những gì mắt chúng ta thấy, tai chúng ta nghe đều chẳng có thứ nào được trong
    sạch cả. Chúng ta chứng kiến nào là cảnh giết người, đốt nhà, cướp của, trộm cắp,
    hút và buôn bán ma túy, cờ bạc, điện ảnh, những loại như vậy làm cho cái thấy
    cũng thành ô nhiễm, khiến cho chúng ta không còn khả năng phân biệt cái nào là
    trong sạch và cái nào là không trong sạch. Thiếu khả năng nhận thức rõ rệt, con
    người sẽ bị cuốn theo chiều hướng chung của thế giới, chiều hướng của sự ô
    nhiễm.
    Tình trạng đó sẽ mang lại kết quả gì? Mang đến phiền não và từ đó mà có
    phiền não trược. Điều này không được xứng ý, điều kia chẳng được toại lòng,
    không suôn sẻ kiểu này, không thuận lợi kiểu khác, ở đâu cũng thấy phiền não. Lấy
    một thí dụ: quý vị vốn ham cờ bạc, quý vị chỉ thấy toàn là những người đến sòng
    bài rồi mang về nhà rất nhiều tiền bạc. Quý vị không thấy những trường hợp thua
    bạc. Quý vị không chịu hiểu rằng số người được bạc chẳng thấm gì so với số người
    thua. Sòng bạc là như vậy, có điều mắt quý vị chỉ nhìn thấy mấy người được bạc
    mà thôi. Người ta gọi đây là trường hợp cảnh giới chuyển, nên quý vị bị cuốn hút
    vào sòng bạc. Càng đánh quý vị càng thua, quý vị càng thua càng phải đánh tiếp để
    gỡ vốn lại, nhưng đâu có gỡ được. Kết quả thành khuynh gia bại sản. Đó là phiền
    não!
    Lấy một thí dụ khác: thấy người ta làm ăn phấn chấn, quý vị thấy ham, cũng
    muốn bắt chước làm theo. Mắt quý vị không thấy những người đã từng bị thất bại,
    nên khi tới lúc việc làm ăn của quý vị bị thua lỗ quý vị liền trách trời: “Người ta
    buôn bán đều thành công cả, cớ sao ông trời chẳng chịu giúp tôi?” Bởi có phiền
    não nên quý vị đổ oán cho tất cả, chẳng kể ai, oán cả trời, cả đất và trách cứ mọi
    người. Càng sinh phiền não thì chính cái thân quý vị càng gặp trắc trở. Quý vị bảo
    vận mạng của quý vị không tốt. Quý vị chửi rủa trời đất, nhưng chửi mãi không có
    kết quả gì thì quý vị bèn đổ oán vào các chúng sanh. Quý vị cho cái này sai, cái kia
    167

    quấy, bốn bên xóm giềng phiền phức, quý vị chẳng hợp với ai. Cái đó gọi là chúng
    sanh trược. Bởi vì chúng sanh trược nên quý vị không có giao tình với ai, mọi sự
    liên hệ với người đều không được thanh tịnh khiến thân phận của quý vị không
    suôn sẻ. Đây là mạng trược.
    Trên đây là lấy pháp thế gian để giảng về thế giới ngũ trược. Năm món này
    phải giảng thật tường tận, bởi trong mỗi món còn chứa đựng vô số các trược, kể ra
    không hết được. Đức Phật Thích-ca trông thấy các chúng sanh trong thế giới Ta-bà
    sống với bao nhiêu thứ khổ, điên đảo, phiền não, tranh chấp, Ngài thấy sống như
    vậy chẳng hứng thú gì. Ngài là một vị thái tử, vốn sanh trưởng từ nơi quyền quý,
    luôn sống trong cung vua, chẳng đi đâu ra ngoài dân dã. Một hôm, Ngài cùng kẻ
    tùy tòng ra ngoài thành đi du ngoạn. Khi ra cửa thành phía đông, Ngài thấy một
    chuyện kỳ lạ. Đó là cảnh một người phụ nữ sanh ra một hài nhi. Vừa ra khỏi lòng
    mẹ đứa bé đã mở miệng kêu: “Khổ! Khổ! Khổ! Khổ! Khổ!”
    Ngài lấy làm lạ, bèn hỏi: “Chuyện gì đây? Sao lại thế này?”
    Kẻ tùy tòng đáp: “Đây là người ta sanh con”
    Ngài nhác thấy máu chảy trên thân người mẹ, còn đứa con thì khóc. Ngài
    bèn quay về vì chẳng còn thấy hứng thú đi chơi nữa. Vậy là cuộc du ngọan ở cửa
    thành phía đông chấm dứt. Ngài nghĩ bụng: “Ở phía đông có con nít khóc, vậy
    ngày mai ta đi ra cửa phía nam”.
    Ngày thứ hai, khi ra khỏi cửa thành phía nam, Ngài thấy một người già, da
    nhăn, đầu bạc, chân bước đi run rẩy, như muốn té lăn xuống đất. Răng thì rụng hết,
    tai điếc, mắt mờ, trông rất khổ sở.
    Ngài hỏi kẻ tùy tòng: “Sao hình dung người này kỳ lạ quá?”. Thật ra trong
    hoàng cung Ngài chưa tùng thấy người nào như vậy.
    Người hầu giải thích rằng: “Đây là một người già, đã sống quá lâu trong đời
    rồi, nên bây giờ cái cơ thể của ông ấy không chịu làm việc nữa. Con mắt, cái tai,
    cái mũi đều đình công cả rồi. Cái lưỡi chưa đình công, nhưng ông ấy có ăn được gì
    168

    đâu: răng chẳng còn nữa, nhấm nháp chẳng biết ngon. Tóm lại, mọi bộ phận trong
    người đều nghỉ việc, cho nên trông ông ấy thiểu não như vậy đó! Tay thì cầm
    không vững, chân thì cất không nổi bước, tóc bạc hết. Lưng còn còng nữa!
    Đức Phật nói: “Quả là khổ vô cùng!” Nguyên đức Phật muốn đi coi đá banh,
    hoặc coi mọi người luyện võ, nhưng trông thấy cảnh đó, đức Phật quay về không đi
    chơi nữa.
    Ngày thứ ba, Ngài đi thẳng ra phía cửa tây. Lần này đức Phật gặp một bệnh
    viện, ở trong đó có những người đau ốm, nằm kêu la như: “Đau quá! Đau quá!”.
    Người thì nói:” Đau chịu không nổi! Cho tôi chết còn sướng hơn”. Trông thấy
    cảnh tượng người bệnh rên rỉ, đau đớn, Ngài chẳng còn thấy hứng thú đi chơi nữa.
    Ngày hôm sau Ngài chọn cửa thành phía bắc và lần này Ngài trông thấy một
    nhà quàn. Ở đấy người ta bán các quan tài.
    Ngài hỏi: “Quan tài này dùng để làm gì?”
    Người ta trả lời: “Cái đó dùng để chôn người chết”.
    Trong nhà quàn lúc đó có nhiều người nằm dài, hơi thở không còn, mắt thì
    nhắm lại. Đó là những thây người đã chết. Đức Phật lại một lần nữa cảm thấy mất
    hứng, Ngài bảo: “Làm người chẳng hay ho gì, ai cũng bị cái khổ sanh, già, bệnh,
    chết. Phải làm sao đây?”.
    Ngay lúc đó có một vị sa môn đi qua. Vị sa môn hiện rõ tướng Tỳ-kheo.
    Đức Phật mới hỏi: “Người này là thế nào?”
    Vị sa môn thì ăn bận theo kiểu người xuất gia.
    Người hầu bèn đáp: “Sao không hỏi ngay người đó?”
    Đức Phật hỏi:
    - Ông là ai?
    - Tôi là một tỳ-kheo.
    - Tỳ-kheo thì làm những gì?
    169

    - Tỳ-kheo là người muốn chấm dứt sanh tử, muốn thoát khỏi cái khổ của
    sanh, già, bệnh, chết.
    - Hay lắm! Thoát được cái khổ của sanh, già bệnh, chết, thì tôi cũng muốn
    thử lắm!
    Từ lúc đó đức Phật Thích-ca lập chí, quyết trở thành một Tỳ-kheo.
    Đó là các nhân duyên khiến cho đức Phật từ bỏ mọi phú quý trên đời, từ bỏ
    ngai vàng để xuất gia tu hành. Sáu năm trên núi Tuyết, đức Phật tu khổ hạnh, mỗi
    ngày ăn một hạt mè và một hạt thóc. Mục đích của Ngài là tu thành Phật. Ngài
    ráng chịu đựng những gì mà thế gian không chịu đựng nổi, Ngài nhịn đói như vậy,
    nhẫn nại như vậy, hành động như vậy, những điều đó thế gian không ai làm được.
    Ngôi vua quý báu đâu có dễ bỏ qua, nhưng Ngài xả bỏ được; đói mà chỉ ăn một hạt
    mè, một hạt thóc, thì đói vẫn hoàn đói, vậy mà Ngài vẫn chịu đựng được. Đó là căn
    bản để Ngài thành Phật.
    Chúng ta thử kiểm điểm xem. Trong chúng ta có người nào được làm một
    thái tử như đức Phật chưa? Chẳng ai có tư cách đó. Vậy mà Ngài đã bỏ ngôi vị đó
    để đi tu. Còn như chúng ta, thử hỏi có thứ gì quý báu để chúng ta chẳng thể xả bỏ
    được? Cái này chẳng thể bỏ được, cái kia chẳng thể bỏ được, cho đến lúc chết liệu
    có mang các thứ đó đi theo mình chăng? Đức Phật bỏ nước, bỏ lại thành trì - thành
    Xá-vệ - bỏ cả vợ con, tất cả những thứ ngoài thân mình, để vào núi tuyết tu.
    Lúc đầu có năm người đi theo chăm sóc. Thân phận của Ngài là thái tử, nên
    vua cha sai hai người tin cẩn đi theo, hoàng hậu cũng sai ba người nữa, tất cả đều
    có phận sự trông nom và hộ trì đức Phật phòng có điều gì bất trắc, chớ không phải
    có ý ngăn trở đức Phật tu hành.
    Trong núi tuyết, đức Phật ăn mỗi ngày một hạt mè và một hạt lúa mì. Trong
    số đi theo có hai người không chịu đựng nổi lối sống khổ hạnh này, nên họ bỏ đi.
    Ba người kia thì dốc một lòng theo Phật, cùng tu khổ với Phật. Vì cố nhịn đói nên
    hồi đó đức Phật gầy ốm, thân hình như que củi, da bọc xương, nhưng chưa bị chết
    170

    vì đói. Lúc đó, có một thiên nữ trông thấy tình trạng này, nàng dâng lên Phật một
    bát cháo sữa bò. Đức Phật Thích-ca, một mặt muốn đáp ứng sự cúng dường của
    thiên nữ, mặt khác nhận thấy đói thêm nữa sẽ đi đến chỗ nguy kịch, Ngài bèn thọ
    dụng bát cháo cúng dường. Lúc bấy giờ ba người đi theo cùng tu với Phật, trông
    thấy đức Phật ăn cháo nên sửng sốt hỏi: “Như vậy thì thành Phật làm sao được.
    Muốn thành Phật là phải khổ hạnh. Bây giờ lại ăn cháo như vậy thì không được
    rồi!” Thôi! Chúng tôi đi đây!”
    Vậy là cả năm người trở về vườn nai (Lộc uyển), bỏ lại đức Phật một mình,
    không nhòm ngó đến nữa.
    Quý vị thử nghĩ lại coi. Đức Phật công đức sâu dày như vậy mà Ngài vẫn
    đưa mình vào những hoàn cảnh khó khăn, tự mình đương đầu với thử thách, chịu
    đựng những gì mà người khác không chịu đựng nổi, quả là Ngài đã phát nguyện
    Bồ-đề rộng lớn, ý chí kiên cường. Ở trên núi tuyết, hồi đó có thể đức Phật ngồi
    thiền, có lúc đi kinh hành, tản bộ, có lúc Ngài leo lên núi, đứng trên cao ngắm cảnh
    trời xa, đại khái là như vậy. Tới lúc năm người kia bỏ đi, thì chỉ còn một mình đức
    Phật ở lại trong cảnh bơ vơ lạc lõng. Nếu là người khác, chắc hẳn trong lòng không
    khỏi nghĩ rằng: “Ta hãy trở về hoàng cung, rồi lên ngôi vua thôi! Ở đây chịu khổ
    để làm gì?”
    Đức Phật không về. Ngài đi tới gốc cây Bồ-đề và phát nguyện rằng: “Ta sẽ
    ngồi ở đây. Chừng nào ta chưa thành Phật, ta thề sẽ không bao giờ đứng dậy, và ta
    sẽ ngồi cho đến chết”. Phát nguyện xong, đức Phật ngồi thiền, thiền luôn trong bốn
    mươi chín ngày.
    Chúng ta chỉ mới ngồi cỡ 5 chữ đồng hồ (35 phút) đã kêu đau chân: “Ối!
    Đau! Đau! Đau chết được!” Hôm qua có một vị cũng như vậy. Y phải quán đề tài:
    “Hãy coi như đã chết!” Vậy mà vị đó cũng không vượt được. Bây giờ lại ngồi thiền
    tới bốn mươi chín ngày, không đứng dậy, và lẽ tự nhiên là không ăn, không uống,
    ở chỗ đó mà chịu đói chịu khát, thiệt không thể tưởng tượng nổi! Nghĩ lại đức Phật
    171

    dụng công với tinh thần đó, liệu chúng ta có thể phát tâm Bồ-đề như vậy được
    chăng?
    Rồi tới một đêm, khi ngước nhìn lên trời, thấy ngôi sao sáng, hốt nhiên Ngài
    bừng ngộ! Ngài khám phá ra tận cùng của chân lý về vũ trụ, nhân sinh. Ngài hoàn
    toàn khai ngộ thành Phật. Lúc vừa thành đạo, Ngài thốt ra câu: “Kỳ lạ thay! Kỳ lạ
    thay! Kỳ lạ thay! Hết thảy các chúng sanh, ai cũng có sẵn trí huệ và đức tướng của
    Như Lai, tất cả đều có thể thành Phật”. Đức Phật có ý nói rằng tất cả các chúng
    sanh đều có Phật tánh, có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đủ cả vạn
    đức trang nghiêm, không khác gì Phật. Tuy nhiên, “bởi vọng tưởng chấp trước nên
    không thể chứng được vậy!”. Chúng ta học Phật Pháp, khỏi cần học nhiều, chỉ cần
    nhớ câu này là đủ: “Bởi vì vọng tưởng chấp trước, nên không chứng được”.
    Vọng tưởng của chúng ta thì chao ôi! Lúc trên trời, lúc dưới đất, hốt nhiên ở
    nam, hốt nhiên ở bắc, khi thì nhớ bạn trai, khi nhớ bạn gái, nào cha, nào mẹ, con
    trai, con gái, đến quý vị chị em. Ôi! Cả một ngày tư tưởng bận rộn, cho đến tối
    trong giấc mơ cũng chỉ là vọng tưởng, thấy chị, thấy em, thấy cái này, thấy cái kia,
    đủ thứ chuyện, chẳng ra chuyện gì, vậy mà không sao xả bỏ cái chấp trước đó
    được. Nói đến giấc mơ thì câu chuyện trong mơ ở đâu mà sanh ra vậy? Nó sanh ra
    từ sự chấp trước. Có chấp trước mới có chất liệu tạo thành giấc mơ. Nếu quý vị
    không chấp trước, không có gì điên đảo, thì đâu có mộng tưởng. Quý vị muốn xa
    lìa mộng tưởng và điên đảo thì quý vị bắt buộc phải phá chấp trước. Cho nên người
    ta nói “chí nhân vô mộng”, nghĩa là bậc đại trí huệ không có mộng mơ, bởi vị đó
    không có vọng tưởng. Vị đó là bậc chân nhân, là một vị thánh, không phải như
    người thường.
    Đức Phật không còn chấp trước, không còn vọng tưởng nên Ngài chứng quả
    vị Phật. Chúng ta nên nhớ câu: “bởi vọng tưởng chấp trước nên không thể chứng
    được”, mà cố gắng diệt trừ vọng tưởng chấp trước, như vậy mới xa lìa mọi điên
    đảo mộng tưởng, và đạt được Niết-bàn rốt ráo.
    172

    Sau khi khai ngộ, đức Phật xét qua nhân duyên, Ngài tự hỏi: “Ta đã thành
    Phật, vậy trước tiên ta phải độ cho chúng sanh nào?” Có người bảo: “Ồ! Phật mà
    cũng có vọng tưởng. Khởi lên ý nghĩ độ người, đó chẳng phải là vọng tưởng sao?”.
    Người nào nói câu đó là lấy lòng dạ phàm phu để đo lường tâm lượng của bậc
    thánh. Nói như vậy là sai. Đấy không phải là vọng tưởng. Phật dùng Diệu Quan
    Sát Trí xem xét các nhân duyên, coi chúng sanh nào có cơ duyên đầy đủ thì Ngài
    sẽ độ người ấy trước.
    Với Diệu Quan Sát Trí, đức Phật xét tới năm người đi theo Ngài lúc trước,
    bấy giờ đương ở trong vườn nai và thấy rằng họ dụng công đã tới mức. Ngài nghĩ
    chỉ cần tới đó, thuyết giảng mấy câu, hoặc có khi nhác trông thấy Phật, chẳng cần
    nói năng gì họ cũng có thể khai ngộ được. Chúng ta nên nhớ rằng năm vị Tỳ kheo
    đó tuy đã bỏ đi nơi khác, nhưng ảnh hưởng của đức Phật đối với họ vẫn còn sâu
    đậm. Họ cũng tha thiết với mục đích tu hành để mong dứt bỏ đường sanh tử, họ
    cũng không màng tới cảnh phú quý nơi thế gian. Khi họ bỏ đức Phật, có lẽ tâm
    trạng của mỗi người mang một ý nghĩ rằng: “Ta cứ tu, khi nào đắc đạo ta sẽ giúp
    cho thái tử khai ngộ”. Tuy nhiên, các chi tiết này không có ghi lại trong kinh điển.
    Chẳng qua đó chỉ là những điều ức đoán ngu độn của tôi mà thôi. Có thể họ nghĩ
    bụng rằng: “Ít lâu nay ta đã dành nhiều thời gian để trong nom cho thái tử, chẳng lo
    cho việc của riêng ta. Nay ta hãy rời khỏi nơi này, ráng dụng công tu, ngày sau ngộ
    rồi ta sẽ quay lại độ cho thái tử”. Trong lòng họ đã gieo những nhân duyên đó, nên
    chi, đức Phật khai ngộ trước, đã đến kiếm họ để độ cho họ. Họ muốn giúp Phật
    khai ngộ, thì Phật lại giúp họ khai ngộ. Chính là gieo nhân nào thì gặp quả ấy.
    Với đủ cả bốn trí, Diệu Quan Sát Trí, Thành Sở Tác Trí, Bình Đẳng Tánh
    Trí và Đại Viên Kính Trí, đức Phật quan sát các cơ duyên, thì thấy người đầu tiên
    Ngài nên độ là Tôn giả Kiều Trần Như. Do đó Phật khai ngộ cho Tôn giả, và cũng
    là một dịp để đáp ứng lại lời nguyện xưa của Ngài.
    173

    Trong thời quá khứ xa xưa đó, Tôn giả Kiều Trần Như là quốc vương Ca-
    lợi, còn đức Phật là một tiên nhẫn nhục, ở trong núi tu hành. Một hôm vua Ca-lợi
    vào rừng đi săn, mang theo cả cung nga thể nữ. Trong lúc nhà vua mải mê săn bắn,
    các cung nga đi lang thang tới chỗ của tiên nhẫn nhục. Cũng từ một nhân duyên
    sẵn có khiến họ có lòng cảm mến, nên họ xúm lại vây quanh tiên nhẫn nhục. Lần
    đó cuộc đi săn thất bại nên nhà vua mất hứng thú. Vua gom tùy tùng lại để ra về thì
    thấy các cung nga thể nữ đương xúm xít bên cạnh một người lạ mặt, râu và tóc để
    dài, móng tay cũng mọc dài. Nhà vua tỏ ý ghen tức mới hỏi kẻ lạ mặt: “Ngươi ở
    đây làm gì?”. Tiên nhẫn nhục trả lời: “Tôi ở đây tu hạnh nhẫn nhục”.
    Vua Ca-lợi nói: “Hạnh nhẫn nhục ngươi tu ra sao mà ngươi lại quyến rũ các
    cung nữ của ta như vậy? Ngươi không phải là người tốt”.
    Nói xong nhà vua rút gươm chặt luôn chân và tay của tiên nhẫn nhục và hỏi
    tiên có tâm sân hận không.
    Tiên nhẫn nhục trả lời: “Tâm không sân hận”.
    Vua Ca-lợi nói: “Ta không tin. Ngươi bị chặt tay chặt chân mà còn nói
    không sân hận. Trên thế gian này làm gì có chuyện đó. Ngươi nói láo. Ngươi có cái
    gì để chứng tỏ rằng ngươi không hề sân hận chăng?”
    Tiên nhẫn nhục đáp: “Nếu tôi không có lòng sân hận thì tay và chân của tôi
    sẽ mọc ra như cũ. Nếu có sân hận thì tay và chân sẽ không mọc được”.
    Vừa nói xong quả nhiên chân và tay của tiên lại mọc trở lại. Vua Ca-lợi nhất
    định bảo tiên là loài yêu quái, rồi ra lệnh đốt núi. Lúc bấy giờ các vị thần hộ pháp
    lấy làm phẫn nộ bèn làm một trận mưa đá đổ xuống đầu vua Ca-lợi.
    Tiên nhẫn nhục khởi lòng từ bi và nói rằng: “Trong tương lai khi nào thành
    Phật, thì trước tiên ta sẽ độ cho người đã chặt tay và chặt chân ta”. Bởi có lời
    nguyện đó nên khi đức Thích-ca Mâu-ni thành đạo xong, và sau khi quan sát các
    quan hệ nhân duyên từ thuở xa xưa cho đến hiện tại, Ngài đã đi tới chỗ vườn nai
    kiếm năm tìm năm anh em Kiều Trần Như để độ cho họ.
    174

    Sở dĩ gọi là “lộc dã uyển” hay vườn nai là bởi thời xưa có rất nhiều hươu nai
    sống ở đây. Trong một kiếp xa xưa đức Phật là một vua nai, đã từng chăn dắt tất cả
    đàn nai. Bây giờ thành Phật, Ngài giáo hóa nhân gian. Ngài đi tới vườn nai, gặp lại
    năm người bạn tu. Họ vốn chẳng phải là Tỳ-kheo, vì đi theo Phật họ mới thành Tỳ-
    kheo. Gặp mấy người đó, đức Phật lần đầu tiên chuyển bánh xe pháp. Ngài nói
    pháp Tứ đế.
    Tứ đế gồm bốn đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.
    Chuyển bánh xe pháp thứ nhất, đức Phật nói: “Đây là khổ, nó có tính cách
    bức bách”. Ngài bảo đời sống con người là khổ. Khổ có ba thứ khổ, có tám thứ
    khổ, vô lượng thứ khổ, chúng đều bức bách thân tâm của chúng sanh, khiến chúng
    sanh không có an lạc, không được tự tại, chúng giống như những người khách đến
    nhà bức bách gia chủ, đuổi gia chủ đi.
    Ba khổ gồm khổ khổ, hoại khổ, và hành khổ. Khổ khổ là thế nào? Là trong
    cái khổ lại còn có khổ. Không có cơm ăn đã là khổ lắm rồi, lại còn không có áo
    mặc nữa, tức là trong cái khổ còn thêm khổ nữa. Không những thiếu cơm ăn, thiếu
    áo mặc, luôn cả nhà ở cũng không có, quý vị nghĩ thử coi vậy là có khổ hay
    không? Đó là nghĩa của khổ khổ, trong cái khổ còn có khổ nữa, khổ nọ chồng lên
    khổ kia, biết ngày nào cho hết khổ.
    Nếu không bị cái khổ khổ do bần cùng mang lại thì lại gặp cảnh hoại khổ
    của trường hợp phú quý. Tỷ dụ quý vị có nhiều tiền, nhiều của, rồi bỗng chốc một
    ngày nào tiền của quý vị bị mất sạch, hoặc bị mất trộm, hoặc bị nạn cháy nhà, hoặc
    bị cơn lũ lụt cuốn trôi, tiền của tan rã, phú quý bị hủy hoại. Đây là trường hợp hoại
    khổ.
    Có người bảo rằng: “Tôi ấy à! Chẳng có cái khổ vì cảnh bần cùng, cũng
    chẳng có gì là giầu sang cho lắm. Bởi vậy, tôi chẳng có khổ khổ mà cũng chẳng
    gặp hoại khổ”. Nói như vậy là không đúng, bởi quý vị có hành khổ. Từ tuổi thơ
    đến tuổi thanh niên, từ thanh niên đến tuổi già, từ già đến chết, mỗi khắc, mỗi giây
    175

    biến đổi không ngừng suốt hành trạng trong một đời, đó cũng là một cái khổ gọi là
    hành khổ.
    Nhóm tám khổ thì kể ra như sau: sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, hợp
    lại thành tứ khổ; ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ ấm xí thịnh
    khổ, đó là bốn khổ nữa, cộng lại thành bát khổ.
    Sanh ra là khổ vì kinh nghiệm sanh không phải là một cảm giác thoải mái.
    Sanh ra cũng tương tự như trường hợp bị ép giữa hai trái núi, như một con rùa khi
    nó thoát ra khỏi cái mai của nó một cách khó khăn. Sanh ra đời rồi thì giai đoạn
    tuổi già sẽ từ từ đi tới và tuổi già là khổ. Lúc đó các bộ phận trong cơ thể sẽ dần
    dần ngưng nghỉ không làm việc nữa. Khổ là vì lẽ đó.
    Ngoài sanh khổ, già khổ còn có bệnh khổ. Cái khổ của bệnh tật rất là khó
    chịu đựng. Đau bệnh đến nỗi phải rên rỉ, kêu la, có khi như điên như dại, những
    loại khổ này không ai chịu thế cho mình được. Tuy nhiên, ở đây, chúng ta thấy có
    một sự bình đẳng. Chẳng kể quý vị là ai, dù là vương, công, hầu, bá, hay chỉ là kẻ
    đi ăn xin; dù là vua, giầu sang trùm bốn biển, nhưng đến khi mắc phải bệnh khổ thì
    ai cũng như ai. Ai không gặp cảnh này thì không có vấn đề, nhưng một khi quý vị
    gặp cảnh ngộ đó thì đau khổ vẫn không tránh được.
    Ba cái khổ vừa nói cũng chưa ghê gớm bằng cái thứ tư là chết khổ. Con
    người đến lúc chết là giẫy dụa, hòng níu lấy mạng sống, nhưng thần chết không
    chịu nghe, cứ nhất định lôi đi. Cái đau khổ đó có khác gì hoàn cảnh của một con bò
    đương sống mà bị người ta lột da vậy.
    Bây giờ nói đến bốn khổ sau. Đối với số đông thì điều chấp nặng nề là tình
    yêu nam nữ. Thương ai muốn cho người đó sống, ghét ai thì muốn cho người đó
    chết. Khi đã thương yêu rồi thì mọi thứ khác đều quên lãng, lý trí cũng bị suy yếu.
    Tình yêu giống như một thứ keo bền chắc cơ hồ không có sức mạnh nào có thể
    phân tán ra được. Tôi nói như vậy có thể có vị không tin. Vậy quý vị hãy lưu ý tới
    những trường hợp mà báo chí gọi là các vụ song sinh Xiêm (Siamese twins), thỉnh
    176

    thoảng xảy ra ở các nơi trên thế giới. Khi sanh ra, thân thể chúng dính liền với
    nhau, phải dùng giải phẫu mới tách chúng ra được. Hãy tưởng tượng xem chúng bị
    đau đớn biết chừng nào, đó là ái biệt ly khổ, cái khổ do yêu thương mà bị tách ra.
    Nguyên do là vì yêu thương quá sâu xa, đại khái như câu người ta nói: “Trên trời
    thì nguyện làm chim liền cánh, dưới đất thì nguyện làm cây liền cành”, yêu nhau
    bền chắc như vậy, cho nên kiếp sau mới thành trẻ song sinh Xiêm.
    Cũng có một lối giải thích khác về các trường hợp vừa kể, tuy không mấy tốt
    đẹp. Nguyên trong các kiếp trước, các trẻ song sinh Xiêm là những người có đồng
    tính luyến ái với nhau. Kiếp này chúng là những người thuyết pháp cho số đồng
    tính luyến ái này. Luyến ái kẻ đồng phái với mình, phải chăng đó là một thứ tình
    yêu điên đảo? Yêu nhau mà chẳng muốn lìa nhau thì khi chết đi sẽ trở lại đầu thai
    thành trẻ song sinh Xiêm, để rồi bị giải phẫu mới tách lìa ra được. Con người kể ra
    cũng tàn nhẫn. Trông thấy chúng như vậy, họ sanh lòng đố kỵ nên muốn tách
    chúng ra làm hai. Họ bảo rằng: “Không thể để như thế này được! Chúng mày
    không thể sống nổi!” Đó là lý do họ làm cuộc giải phẫu. Cũng có một lý do khác là
    do lòng từ bi, bởi khi trông thấy các đứa trẻ khó thể sống nổi, các thầy thuốc mới
    tìm cách ra tay phẫu thuật, mà không quản gì tới công trình rất khó nhọc của họ.
    Thực vậy, họ phải cẩn thận lắm để tách ra từng phần nhỏ một trên thân thể của
    những hài nhi đó.
    Thế gian này lắm chuyện phiền hà! Mấy chục năm về trước, ít có những vụ
    song sinh Xiêm. Ngày nay đồng tính luyến ái gia tăng nên các vụ này xảy ra luôn,
    nước nào cũng có.
    Ngày trước chỉ có những trường hợp song sanh thường, hai đứa trẻ chung
    một bào thai, nhưng sự luyến ái của chúng không đi đến chỗ hồ đồ để thành một
    chất keo dính chặt chúng vào nhau. Còn như luyến ái đến cùng cực để không chịu
    chia lìa nhau thì kết cục sẽ trở thành những trẻ song sanh Xiêm. Tới lúc đó, dầu
    quý vị không muốn rời nhau cũng không được, bác sĩ sẽ chia cắt phân đôi ra, lúc
    177

    đó đau đớn biết là chừng nào! Vả lại giải phẫu cũng có nhiều phần rủi ro, có khi
    không cứu sống được. Chắc hẳn lúc đó, chúng nghĩ rằng: “Nếu chẳng được chung
    một thân với nhau, thì thà chẳng làm người nữa”. Bởi chúng không muốn lìa nhau,
    nay hoàn cảnh bắt phải chia lìa thì thà chết còn hơn. Luyến ái nhau mà phải chia lìa
    nhau, đó là ái biệt ly khổ.
    Thứ đến là oán tắng hội khổ. Đây là ghét, ghét ai thì cứ trông thấy mặt
    người đó đã thấy mất vui rồi và chỉ muốn tránh xa đi nơi khác. Tuy nhiên, điều kỳ
    cục là muốn tránh mà tránh không được, đi tới đâu cũng gặp lại, có khi làm việc
    chung vớí nhau nữa. Quý vị ghét người ta ư? Vậy mà quý vị vẫn phải gần gũi với
    họ. Oán ghét mà ở một chỗ với nhau, đó là một cái khổ, gọi là oán tắng hội khổ.
    Còn cầu bất đắc khổ là nói khi chúng ta cầu mong một chuyện gì nhưng
    chuyện đó không tới, trong lòng nẩy sinh phiền não, đêm ngủ không an giấc, ngày
    ăn không biết ngon, cho đến đứng ngồi cũng không yên nữa, trong lòng lúc nào
    cũng như dầu sôi lửa bỏng vậy. Đó cầu bất đắc khổ.
    Cuối cùng, ghê gớm nhất lã ngũ ấm xí thịnh khổ. Ngũ ấm là sắc, thọ, tưởng,
    hành, thức, mấy thứ này kiên cố lắm, chẳng ai dứt bỏ được chúng. Ảnh hưởng của
    chúng rất lớn, chúng che khuất Phật tánh của mọi người. Tuy nhiên, nếu hiểu biết
    ngũ ấm một cách rốt ráo thì chúng chẳng còn gì gọi là thực thể, mà chỉ là một đám
    mây nổi bồng bềnh trên hư không. Ngược lại, nếu không hiểu rõ ngũ ấm thì chúng
    vẫn còn là một thứ áp lực nặng nề. Hiểu rõ minh bạch thời quý vị sẽ “quán thấy
    năm uẩn đều là không” (Bát Nhã Tâm Kinh), và “bổn lai chẳng có vật nào, chỗ nào
    còn bám bụi nữa? (Pháp Bảo Đàn Kinh)”.
    Bây giờ chúng ta hãy tự mình kiểm tra lại coi, liệu có ai có thể nói rằng
    mình không có tám loại khổ đó chăng? Quý vị bảo: “Tôi không khổ, tôi chẳng có
    ba khổ, tôi chẳng có tám khổ, một khổ cũng chẳng có”. Quý vị nói như vậy chính
    là đã tự dối mình. Tôi xin nói thêm một điều nữa. Cái khổ do cầu mà chẳng được,
    cùng với hai thứ khổ kia là oán hận mà hội ngộ, yêu thương mà chia lìa, các loại
    178

    này cũng na ná giống nhau. Thí dụ như ai đó cầu mong được một chức vụ nào mà
    không đạt được: khổ tâm lắm! Làm ăn mong cho được phát tài, kết quả lại chẳng
    được; cầu danh, danh chẳng có, cũng đều khổ cả. Lại nói rõ hơn: cầu gặp bạn trai
    hoặc cầu gặp bạn gái mà chẳng được toại nguyện, càng khổ biết chừng nào! Khổ
    đến nỗi đêm ngủ thao thức, ngày ăn không biết ngon. Từ đời xưa đã có những loại
    thực là ngu si như mang chứng bệnh tương tư, thậm chí đi đến chỗ cùng nhau tự
    kết liễu tính mạng. Quý vị thấy như vậy là khổ hay không khổ? Chẳng qua là vì tại
    thế gian này căn bệnh chấp trước quá nặng, nó là một thứ điên đảo, nhận giặc làm
    con, lấy điều khổ làm điều vui. Càng cầu bao nhiêu thì cái điều cầu mong càng có
    giá, vậy mà khi đạt được nó rồi người ta cảm thấy nó cũng vậy mà thôi.
    Trong giới thanh niên, người ta thường nói có một loại thuốc có thể làm cho
    người ta khai ngộ. Hai mươi năm trước đây, loại LSD (mê ảo dược) rất thông dụng
    tại nước Mỹ, còn ngày nay thì marijuana (cần sa) lại rất thịnh hành. Giới trẻ hiếu
    kỳ, chẳng biết ất giáp ra sao, mong có cơ hội dùng thử. Thử được rồi liền mắc bệnh
    ghiền, còn ai chưa thử thì vẫn còn mơ hồ chưa hiểu thuốc đó ra sao. Có thực các
    loại thuốc độc đó mang lại sự khai ngộ chăng? Hút marijuana vào là biến thành
    thần tiên ư? Đại khái là những ý nghĩ đó xuất hiện trong đầu óc những kẻ hiếu kỳ.
    Bởi tính hiếu kỳ, tính ưa cái mới chuộng cái lạ, mà giới trẻ gặp phải những thứ độc
    hại đó. Từ đó về sau, ma túy sẽ là cái mồi ngon ngọt để họ thưởng thức. Mỗi lần
    hút vào là một lần họ thấy như bay bổng, như đê mê, chẳng còn thiết tha việc gì
    khác, đến làm vua cũng chẳng ham. Quý vị thấy như vậy có phải là điên đảo
    không, có phải là khổ không?
    Tám khổ nói ở trên chỉ là đại cương, còn đi vào chi tiết thì còn nhiều thứ khổ
    lắm, vô lượng vô biên thứ khổ, kể ra không hết được, mà kể ra cho ai nghe? Nói ra
    người ta cũng không tin. Đức Phật nhận ra cái khổ, cho nên điều chân lý thứ nhất
    Ngài nói là Khổ đế. Ngài bảo: “Đây là khổ, đặc tính của nó là bức bách”. Chúng ta
    cần phải biết tới cái sức mạnh bức bách của nó.
    179

    Chân lý thứ hai là “Tập”: “Đây là tập, đặc tính của nó là chiêu cảm”. Tập
    nghĩa là tích tụ, tụ tập. Tụ tập cái gì? Tụ tập phiền não. Bởi nhận thấy các chúng
    sanh khổ nên đức Phật phát nguyện cứu độ chúng sanh; nhận thấy rằng phiền não
    do tụ tập lại mà thành, nên đức Phật phát nguyện đoạn trừ phiền não. Nguyện rằng:
    “Chúng sanh vô biên thề nguyện độ
    Phiền não vô lượng thề nguyện đoạn”
    “Đây là tập, đặc tính của nó là chiêu cảm”. Tự mình gieo nhân, nên gặp quả
    báo, tự mình chuốc lấy và tự mình có cảm ứng, cho nên gọi là chiêu cảm. Những
    phiền não ấy nhiều không kể được, nói một cách tổng quát thì là tám vạn bốn ngàn
    phiền não, nhưng thực ra phiền não là vô lượng vô biên.
    Chân lý thứ ba là “Đạo”; “Đây là Đạo, đặc tính của nó là có thể tu”. Đây là
    đạo Bồ-đề, đạo của trí huệ, đạo thành Phật, đạo đưa tới dứt đường sanh tử. Tính
    cách của đạo này là có thể tu. Nếu như quý vị tu hành thì quý vị có thể đạt được
    Đạo, không tu thì không đạt được. Cho nên có câu:
    “Pháp môn vô lượng thề nguyện học
    Phật đạo vô thượng thề nguyện thành”
    Chân lý thứ ba là “Diệt”: “Đây là diệt, đặc tính của nó là có thể chứng”. Diệt
    đây có nghĩa là niềm vui của tịch diệt. Có câu nói:
    “Các hành là vô thường
    Thuộc về pháp sanh diệt
    Sanh và diệt đều diệt
    Tịch diệt là niềm vui”
    Chư hành vô thường
    Thị sanh diệt pháp
    Sanh diệt diệt dĩ
    Tịch diệt vi lạc.
    180

    Trong một kiếp quá khứ, đức Thích-ca đã từng hy sinh thân mạng để đổi lấy
    một nửa bài kệ trên. Số là, trong thời kỳ tu khổ hạnh, có lần Ngài gặp một vị trời
    thuộc Tịnh Cư thiên, lúc ấy giả trang làm quỷ dạ xoa. Vị trời này muốn khảo
    nghiệm trình độ tu của vị lão tu hành (vị tu hành kỳ cựu) này, muốn thử xem tâm
    thành cũng như sự hy sinh của vị ấy tới mức nào. Dạ xoa bèn tiến lại và khi đi
    ngang trước mặt ông ta, dạ xoa tự ngâm nga một mình hai câu: “các hành là vô
    thường, thuộc về pháp sanh diệt”.
    Vị lão tu hành nghĩ thầm: “Ủa! Quỷ này ca hát gì đây? Đây chẳng phải là
    một bài hát mà là hai câu của một bài kệ. Hai câu này có ý nghĩa lắm!”
    Ngài bèn hỏi: “Ngươi nói cái gì đấy?”
    Quỷ dạ xoa đáp: “Ta nói rằng ở các hành là vô thường, thuộc về pháp sanh
    diệt”.
    Vị lão tu hành: “Bài ngươi đọc đó còn thiếu hai câu nữa phải không?”
    Quỷ: “Đúng lắm! Còn thiếu hai câu nữa”.
    Vị lão tu hành: “Vậy ngươi hãy đọc ra cho ta nghe với”.
    Quỷ: “Đọc ra cho ngươi ư? Ta đương đói không còn hơi sức để đọc tiếp hai
    câu kia. Ngươi phải cho ta thứ gì để ta ăn. No bụng rồi ta mới đọc được”.
    Vị lão tu hành: “Được! Ngươi muốn ăn thứ gì ta sẽ kiếm cho ngươi đặng
    ngươi được no bụng rồi đọc hai câu kệ cho ta nghe”.
    Quỷ dạ xoa nói: “Ta phải ăn thịt người sống, uống máu người sống thì ta
    mới no bụng được. Liệu ngươi có dám xả thân ngươi, để ta ăn thịt và uống máu
    ngươi không?”
    Đức Phật thầm nghĩ: “Sớm nghe được đạo, tối chết cũng cam; pháp này đổi
    lấy cái chết cũng đáng. Ta được nghe xong rồi có chết cũng không tiếc, vả lại
    chừng nào ta chưa được nghe hai câu kệ đó lòng ta vẫn còn đeo đuổi, vĩnh viễn
    181

    khôn nguôi”. Bởi vậy đức Phật bảo: “Được lắm! Ngươi cứ đọc ra cho ta nghe. Ta
    bằng lòng hiến trọn thân ta cho ngươi”.
    Dạ xoa bèn đọc hai câu kệ như sau: “Sanh và diệt đều diệt, tịch diệt là niềm
    vui”.
    “Các hành là vô thường” có nghĩa là trên thế gian hết thảy mọi thứ đều vô
    thường; “thuộc về pháp sanh diệt”, tức là hết sanh thì đến diệt, hết diệt lại đến
    sanh, cho nên gọi là pháp sanh diệt; “sanh và diệt đều diệt”: khi nào sanh và diệt
    đều không còn nữa, tới trạng thái tịch diệt, một trạng thái không sanh không diệt;
    lúc đó “tịch diệt là niềm vui”, một niềm hoan lạc chân chánh và vĩnh viễn.
    Nói xong câu kệ, quỷ bèn đòi ăn thịt vị lão tu hành.
    Vi lão tu hành nói: “Khoan đã! Đừng ăn thịt ta vội!”
    Quỷ dạ xoa: “Sao? Ngươi muốn nuốt lời ư? Không được đâu!”
    Lão tu: “Ta không nuốt lời. Ngươi hãy để cho ta lấy dao khắc bài kệ đó trên
    thân cây, cho người thế gian đời đời được trông thấy, đặng họ phát tâm Bồ-đề tu
    thành đạo quả”.
    Quỷ dạ xoa: “Ý kiến của ngươi được lắm! Ta để cho ngươi khắc đó!”
    Lão tu lấy dao lột vỏ cây ra rồi khắc kệ lên thân cây. Trong khi đó quỷ dạ
    xoa đứng bên hối thúc: “Ngươi khắc lẹ tay lên một chút! Ta đói lắm rồi, chịu
    không nổi nữa!”
    Vị lão tu hành ráng sức làm mau hơn, và khi bài kệ đã khắc xong, quỷ dạ
    xoa nói: “Bây giờ thì chẳng khách khí gì nữa, ta phải ăn thịt và uống máu của
    ngươi đây!”
    Lão tu: “Chờ thêm một chút nữa!”
    Quỷ dạ xoa: “Lại còn chờ nữa ư? Ta đã chờ cho ngươi khắc kệ lên cây rồi.
    Ngươi cứ tìm cách trì hoãn mãi, ngươi muốn cái gì nữa?”
    Lão tu: “Ta nghĩ rằng bài kệ mà ta vừa khắc trên cây, sau một thời gian sẽ bị
    mưa gió phá hủy, khó có thể tồn tại được. Hiện nay, ta sẵn có con dao đục đá, ta
    182

    muốn khắc bài kệ đó trên đá, như vậy nó sẽ vĩnh viễn không bị xóa mờ. Ngươi hãy
    ráng chờ ta thêm chút nữa, đàng nào ta cũng phải ghi lại bài kệ trên đá mới xong”.
    Quỷ dạ xoa: “Cũng được! Cho ngươi được toại nguyện. Ngươi khắc đi!”
    Khi vị lão tu hành khắc xong, quỷ đòi ăn thịt. Ngài bằng lòng nói: “Bây giờ
    ngươi ăn thịt ta đi!”. Nói xong, ngài nhắm mắt lại chờ quỷ dạ xoa tới để ăn thịt
    mình.
    Bỗng nhiên lúc đó ở trên không trung có tiếng nói vọng xuống: “Hay lắm!
    Hay lắm! Lão tu hành thực có lòng hy sinh to lớn, vì pháp quên thân mình, trong
    tương lai nhất định sẽ thành Phật”. Ngài bèn mở mắt ra thì chẳng thấy quỷ dạ xoa
    đâu. Trước mặt ngài là một vị trời của Tịnh Cư thiên.
    Bởi vậy đây gọi là câu chuyện “xả thân mạng vì nửa bài kệ”. Bỏ cả sanh
    mạng mà chẳng sợ mảy may. Là những người học Phật, chúng ta liệu có được tấm
    lòng chí thành và khẩn thiết như vậy chăng? Chúng ta có dám đổi sanh mạng mình
    để lấy nửa bài kệ, hay một bộ kinh không?
    Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới cũng không thiếu những người dốc lòng tu
    hành. Vạn Phật Thành của chúng ta vẫn thường khuyến khích mọi người đọc tụng
    và thuộc lòng bộ kinh Lăng Nghiêm. Có người thuộc hai quyển, có người thuộc ba
    quyển, nhưng chưa thấy ai thuộc cả bộ kinh. Trước ngày vía đức Phật A-di-đà
    khoảng một tháng, có một nữ Phật tử phát nguyện đóng cửa học thuộc kinh Địa
    Tạng và kinh Phạm Võng, hẹn trong vòng một tháng đọc tụng thuộc lòng hai bộ
    kinh trên. Lúc đó tôi đồng ý rồi cho người đi theo để trông nom, cung cấp đồ ăn và
    nước uống đặng giúp vị này thành tựu lời phát nguyện. Quả nhiên, trong hạn kỳ
    một tháng, người đó đọc thuộc cả kinh Địa Tạng và kinh Phạm Võng. Đó là người
    đầu tiên tại Vạn Phật Thành thuộc hai kinh này. Quý vị muốn biết danh tính của
    người đó chăng? Tên gì? Họ gì? Điều này tôi không thể nói cho quý vị hay, bởi tôi
    không muốn quảng cáo cho ai cả. Người đó là một phần tử tu hành tại Vạn Phật
    Thành, và ở đây ai ai cũng như vậy.
    183

    Gần đây, có một vị cư sĩ ở Los Angeles tên là Hà Quả Lâm - Hà Diệu Lâm,
    làm nghề châm cứu. Ông đến Vạn Phật Thành, bế quan trong mười ngày thì đọc
    thuộc lòng được bộ kinh Kim Cang. Tại sao tôi nói tên của ông ta là Hà Quả Lâm -
    Hà Diệu Lâm cho quý vị biết? Bởi đó là một thầy châm cứu, tôi quảng cáo không
    công cho ông, điều đó chẳng quan hệ gì.
    “Đặc tính của Đạo là có thể tu”, “đặc tính của diệt là có thể chứng”, chứng
    được niềm vui của sự tịch diệt. Vậy ai có thể chứng được? Người nào tu hành một
    cách chân thực thì có thể chứng. Bởi vậy cho nên, biết Khổ, hiểu khổ, thì đoạn
    Tập, nghĩa là đoạn trừ phiền não; mộ Diệt, hâm mộ niềm vui tịch diệt, nên mới tu
    Đạo. Do đó mới nói: “Biết khổ, đoạn tập, mộ diệt, tu đạo”.
    Lần đầu chuyển pháp luân, Phật nói:
    Đây là khổ; tính bức bách
    Đây là tập; tính chiêu cảm
    Đây là đạo; có thể tu
    Đây là diệt; có thể chứng.
    Thực ra phải nói theo thứ tự là: khổ, tập, đạo, diệt, nhưng vì người Trung
    quốc đã đổi lại để đọc cho thuận miệng nên mới nói là: khổ, tập, diệt, đạo.
    Lần thứ nhì, chuyển pháp luân, Phật nói:
    “Đây là khổ, ta đã biết, không cần biết thêm nữa”. Câu này có nghĩa là ta đã
    biết khổ, ta không muốn chịu cái khổ đó nữa, và ta cũng không muốn biết thêm về
    khổ.
    “ Đây là tập, ta đã đoạn trừ, ta không phải đoạn trừ thêm”, có nghĩa là ta đã
    đoạn trừ tập rồi, không còn cái gì để đoạn trừ nữa, ta đã hết phiền não rồi.
    “ Đây là Đạo, ta đã tu”, nghĩa là ta đã tu xong Đạo Bồ-đề, đã thành Phật rồi.
    “ Đây là diệt, ta đã chứng”, nghĩa là ta đã hiểu trọn vẹn các pháp khổ, tập,
    diệt, đạo.
    Lần thứ ba chuyển pháp luân, Phật nói:
    184

    “Đây là khổ, người phải biết; đây là tập, người phải đoạn trừ; đây là Đạo,
    người phải tu; đây là diệt, người phải chứng”.
    Sau ba lần Phật chuyển pháp luân về pháp Tứ đế thì Tôn giả A-nhã Kiều
    Trần Như chứng ngay được quả A-la-hán. Nay, chúng ta cũng nghe xong Pháp này
    rồi, có vị nào chứng được quả A-la-hán chưa, tôi cũng không rõ!

    --- Kết thúc.


    Nguồn : Từ trang nhà QuangDuc.
    Last edited by chi2730; 07-08-2012 at 10:20 PM.
    Cầu sanh Tây Phương!.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Vài lời bàn luận về bộ kinh DƯỢC SƯ
    By silicon11 in forum Đạo Phật
    Trả lời: 26
    Bài mới gởi: 31-08-2012, 09:55 PM
  2. Trả lời: 4
    Bài mới gởi: 11-06-2012, 02:39 PM
  3. Tìm Hiểu Về Kinh Dược Sư
    By ngoc ha 63 in forum Đạo Phật
    Trả lời: 4
    Bài mới gởi: 10-05-2012, 12:48 PM
  4. ĐỀ THI TU HÀNH CỦA LÃO HÒA THƯỢNG QUẢNG KHÂM
    By bachliencu in forum Tịnh Độ Tông
    Trả lời: 5
    Bài mới gởi: 13-10-2011, 08:07 AM
  5. Xin các bác tu Mật chỉ giáo?
    By bienvasong in forum Mật Tông
    Trả lời: 13
    Bài mới gởi: 23-12-2010, 11:06 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •