“Săn phù thủy” ở Ấn Độ

(ANTĐ) - Ấn Độ, đất nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ 2 thế giới, với những đô thị hiện đại và đời sống người dân ngày càng được cải thiện nhờ sự bùng nổ của công nghệ cao. Nhưng đằng sau sự phát triển ấy, vẫn còn đâu đó một Ấn Độ lạc hậu và nghèo đói chìm trong những hủ tục mê tín dị đoan, khiến số phận con người bị quyết định một cách phi nhân tính.


Những cảnh ngược đãi “phù thủy” diễn ra ở Ấn Độ giữa ban ngày


Những cuộc đời bị hủy hoại

Đã nhiều năm trôi qua nhưng Manikul Gopai, một phụ nữ sống ở Bihar vẫn chưa quên cái ngày khủng khiếp ấy. 10 người đàn ông mang theo dao rựa, gậy gộc xông vào nhà cô, trói cô lại và mang đi. Chồng và con trai Manikul Gopai cố gắng chống lại những kẻ tấn công cô, nhưng đã bị chúng dùng dao chém chết. Manikul Gopai bị lột quần áo, kéo lê qua các phố, sau đó bị trói vào một thân cây để mọi người đi qua dùng gậy đánh. Sau tất cả những màn làm nhục không nương tay, pháp sư trong làng đến cùng với một thanh gươm và huơ nó trên đầu cô với những lời rì rầm khó hiểu. Khi lưỡi gươm vừa chém xuống đầu Manikul, cảnh sát xuất hiện và giải cứu cho cô. Manikul sống sót với vết sẹo trên đầu, nhưng những kẻ đã sát hại chồng con cô không bao giờ bị bắt.

Tất cả thảm kịch ấy bắt nguồn từ cái chết của một cậu bé 2 tuổi trong làng. Vì biết một chút về thuốc, Manikul đã tìm cách cứu cậu bé, nhưng không thành do chứng kiết lị quá nặng. Cùng thời điểm ấy, một số người dân quanh vùng bị sốt cao. Các pháp sư họp bàn, sau đó tuyên bố, nguyên nhân gây ra điều đó là do phù thủy: Manikul đã nguyền rủa dân làng. Cách tốt nhất để thoát khỏi bệnh tật là giết chết cô.




Ngày 19-5-2010, gần như tất cả người dân ở Deoghar, thị trấn cách Ranchi, thủ phủ bang Jharkhand, Ấn Độ 350km đều đổ dồn ra đường, hò hét la ó trong trạng thái cực kỳ kích động. Hôm đó, 5 “nữ phù thủy”, những kẻ gieo rắc bệnh tật trong vùng bị bêu trên đường phố trước khi đưa đến nơi xử tử. Dưới sự chỉ đạo của các pháp sư, người ta lột hết quần áo 5 người phụ nữ đáng thương, trói gô họ lại và giễu đi trên đường phố. 2 trong số đó bị ép ăn phân và uống nước tiểu, sau đó hét lên thừa nhận mình là phù thủy. Khi cảnh sát đến nơi, những kẻ chủ mưu đã bỏ trốn, để lại các nạn nhân trong tình trạng cực kỳ thảm hại.

Nhưng không phải ai cũng may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần như Manikul và 5 nạn nhân trên, một khi đã bị quy kết là phù thủy ở đất nước có nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới này. Dường như tốc độ phát triển nhanh chóng của Ấn Độ đã để sót nhiều vùng đất ở phía sau và tại những nơi đó, hủ tục lạc hậu cùng những lễ nghi từ thời trung cổ vẫn tồn tại.

Theo con số thống kê của Văn phòng tội phạm quốc gia Ấn Độ, hàng năm có khoảng 200 phụ nữ nước này bị tuyên án tử hình trái phép vì tội làm phù thủy. Trong 15 năm trở lại đây, có ít nhất 2.500 phụ nữ, phần lớn độc thân hoặc quả phụ bị sát hại. Bang Jharkhand là nơi xảy ra những vụ án kiểu này với tỷ lệ cao, mỗi năm có từ 50-60 người chết oan vì tội danh phù thủy. Những địa phương khác như Tây Bengal, Darjiling cũng thường xảy ra những vụ việc tương tự.

Tội ác còn tiếp diễn

Sự ngược đãi những người phụ nữ bị coi là phù thủy có nguồn gốc lâu đời ở các vùng nông thôn Ấn Độ. Với những khả năng đặc biệt, một số người phụ nữ có thể chữa bệnh hay đem đến cho dân làng những lời khuyên và chính vì vậy, những người đàn ông đứng đầu cộng đồng đã lo sợ bị kiểm soát bởi năng lực này và mất đi quyền lãnh đạo. Họ tìm cách đưa những người phụ nữ ấy “trở về vị trí của mình”.

Những lý do đôi khi rất đơn giản. Một phụ nữ từ chối quan hệ tình dục với người láng giềng, lập tức bị anh ta tố cáo làm phù thủy. Một góa phụ từ chối trả lại đất đai và tài sản được thừa kế từ người chồng quá cố, lập tức bị quy kết là phù thủy. Ở những vùng như Rajgard, Khargone, Badwani hay Jhabua thuộc bang Madhya Pradesh, người ta sẵn sàng tin rằng người phụ nữ vừa sang chơi nhà mình hôm qua là phù thủy chỉ vì một giấc mơ. Những lời tố cáo không căn cứ như thế hầu như được tin ngay không cần kiểm chứng. Khi đã bị cáo buộc là phù thủy - những kẻ gây ra thiên tai, bệnh tật và chết chóc, cuộc đời người đó coi như chấm dứt. Họ không bao giờ thoát khỏi sự kỳ thị, không thể sống yên thân trong ngôi nhà của mình và buộc phải bỏ đi nơi khác. Nhưng đó chưa phải điều đáng sợ nhất.

“Săn phù thủy” đến nay vẫn còn tồn tại ở nhiều bang như Chattisgarh, Assam, Orissa, Tây Bengal, Rajasthan, Andhra Pradesh, Mahrashtra và những tiểu bang vùng đông bắc, trong những ngôi làng hẻo lánh, nơi cảnh sát ít khi đặt chân đến. Theo lệnh các “pháp quan”, người ta sẵn sàng hành hạ và giết chết một người phụ nữ bị coi là phù thủy mà không hề có cảm giác tội lỗi.

Trong khi đó, những “pháp quan” hay “thầy trừ phù thủy” hầu như đều thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật một cách dễ dàng. Người dân phần lớn đều là thành viên các bộ lạc nghèo khó vì mê tín, trình độ nhận thức thấp, mỗi khi ốm đau bệnh tật đều phải nhờ đến các pháp quan này, vì thế coi họ như lãnh tụ tinh thần, không bao giờ dám làm trái lệnh, phần vì tôn thờ, phần vì sợ bị trả thù. Còn các nạn nhân, đôi khi vì xấu hổ và thiếu hiểu biết, họ không tìm đến sự trợ giúp pháp lý và vô hình trung trở thành nạn nhân của những hình thức tra tấn dã man: chặt đầu, ném đá, treo cổ, thiêu sống hoặc đóng đinh vào đầu, dìm chết dưới sông hay chôn sống... Thậm chí thân nhân của những người này cũng buộc phải rời bỏ nhà cửa và làng xóm vì không chịu được sự kỳ thị.

“Một đạo luật chống lại việc giết hại các phù thủy đã được thông qua ở các bang Jharkhand, Bihar và Chattisgarh, nhưng hiếm khi được thực hiện và hình phạt cao nhất có hành động man rợ này chỉ có 3 tháng tù giam”, Avdash Kaushal, chủ tịch hiệp hội trợ giúp các bộ tộc thiểu số thuộc Trung tâm Nông thôn về quyền và tranh chấp (RLEK) cho biết.

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn chưa có luật nghiêm cấm và trừng phạt hành vi vu cáo một người là phù thủy hay thực thi bạo lực đối với những người này, mà chỉ đưa ra hình phạt 6 tháng tù cho những kẻ tra tấn về thể chất hoặc tinh thần đối với phụ nữ và hình phạt tối đa 1 năm tù cho những trường hợp làm tổn thương nghiêm trọng đến thân thể người phụ nữ. Ngay cả trong những trường hợp đó, chỉ có khoảng 2% các vụ săn phù thủy bị truy tố. Tòa án địa phương thường đảo ngược quyết định hay giảm hình phạt cho các bị cáo khi nạn nhân là “phù thủy”. Một số tổ chức phi chính phủ hay một vài cá nhân đã bắt đầu đứng lên, tìm cách giúp đỡ những người phụ nữ xấu số, tuy nhiên để hủ tục này bị xóa bỏ ở Ấn Độ và kết thúc những vụ giết chóc phi nhân tính, chặng đường chắc phải còn rất gian nan...

Bảo Trâm (Tổng hợp
http://www.antd.vn/Tianyon/Index.asp...5&ChannelID=92