kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Ðề tài: Trách nhiệm của người tín đồ đạo Cao Đài trong đời sống hôn nhân gia đình và vấn đề g

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Trách nhiệm của người tín đồ đạo Cao Đài trong đời sống hôn nhân gia đình và vấn đề g

    Con người sinh ra, ai cũng cần có một mái ấm gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người, cũng là nơi gìn giữ, vun đắp và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

    Người tín đồ Cao Đài tuy đã nhập môn vào Đạo nhưng vẫn là một công dân của quốc gia, một thành viên của gia đình và xã hội cho nên giáo lý đạo Cao Đài đề cao trách nhiệm của người tín đồ đối với quốc gia, gia đình và xã hội. Trên quan điểm "Dục tu Thiên Đạo, tiên tu Nhơn Đạo” (muốn tu đạo Trời, trước tiên phải tu đạo làm người), người tín đồ Cao Đài muốn phế đời hành đạo hay cắt ái ly gia để bước chân vào con đường tu hành thì phải lo cho tròn Nhơn Đạo trước đã, còn không thì tu tại gia, vừa lo Nhơn đạo vừa lo Thiên Đạo song song mới được. Chính vì vậy, đối với gia đình, một người tín đồ Cao Đài chân chính phải thấy rõ những trách nhiệm quan trọng sau đây:

    Đạo Cao Đài quan niệm hôn nhân là việc hợp tự nhiên nên không khuyến khích thanh niên nam nữ trong Đạo sống độc thân để tu hành. Sách Quan Hôn Tang Lễ của đạo Cao Đài, trong mục hôn nhân viết như sau: “Trai lớn lên cưới vợ, gái lớn lên lấy chồng là lẽ đương nhiên. Việc hôn nhân là việc tối trọng trong đời người. Tìm đâu có hạnh phúc? Hạnh phúc ở trong việc hôn nhân. Thật vậy, không có gì vui thích cho bằng trong gia đình được vợ chồng hòa thuận, đầm ấm, thành thật yêu thương nồng hậu. Vợ biết tùy theo ý muốn của chồng, chồng biết thương vợ, không làm phật ý vợ, ăn ở với nhau lâu ngày, càng sâu nghĩa biển, càng dài tình sông”.

    Đạo Cao Đài cho rằng Luật Nhân Quả thể hiện rõ trong hôn nhân. Đôi vợ chồng cưới nhau là do tiền duyên từ kiếp trước, cho nên hôn nhân là thực thi nhân quả, người nào sống độc thân được là do người đó có ít oan trái, nghiệp quả nhẹ, sẽ tiến hóa rất nhanh khi vào đường tu hành. Hôn nhân còn là một phần trong Nhơn đạo, nó sẽ gây ra một số bổn phận tiếp theo như bổn phận làm chồng, làm vợ, bổn phận làm cha, làm mẹ. Nếu các bổn phận này được vuông tròn thì coi như tu xong phần Nhơn đạo, từ đó tiến lên tu phần Thiên đạo được dễ dàng.

    Để tiến hành xây dựng một gia đình, đôi nam nữ trước khi kết hôn phải nghiên cứu, tìm hiểu, tuân y luật đời, luật Đạo. Điều quan trọng nhất là vợ chồng phải biết thương yêu, nhường nhịn lẫn nhau, giúp đỡ nhau trong đạo làm người. Mà muốn được như vậy thì mỗi người phải biết bổn phận của mình và phải hành động trong phạm vi ấy.

    Trong gia đình, người chồng được xem là trụ cột, phải đảm đương mọi việc bên ngoài để tạo dựng hạnh phúc cho gia đình, nghĩa là phải làm lụng để nuôi dưỡng gia đình no ấm, tiếp đến là việc giáo hóa. Lời xưa nói: “Giáo phụ sơ lai, giáo tử anh hài”, nghĩa là, dạy con dạy thuở còn thơ, dạy vợ dạy lúc ban sơ mới về, muốn làm được điều đó trước hết phải sửa mình đoan trang, chính trực. Người chồng, người cha, không những phải lo làm lụng nuôi dưỡng gia đình mà còn phải là tấm gương đạo đức cho vợ con nữa.Người chồng nên biết rằng vợ là bạn trăm năm của mình, đàn bà vốn là người “chân yếu tay mềm” phải nương tựa vào mình, gửi thân cho mình để cùng nhau lo việc gia thất. Hơn nữa, vợ chồng là người “đầu gối tay ấp” với nhau, vui chung vui, buồn chung lo, nghèo chung chịu, giàu chung hưởng, lòng có nghĩ như thế thì mới có dạ yêu thương, đùm bọc. Người chồng có quyền khuyên can, giáo dục người vợ, nhưng trước hết phải làm xong nghĩa vụ của mình như đã nói trên, rồi sau mới dùng đến quyền. Tuy nói rằng có quyền, nhưng người chồng lúc nào cũng phải lấy tinh thần hòa ái làm cốt, nghĩa là có khuyên can, giáo dục người vợ thì cũng chỉ trong vòng lễ nghi kính mến, chứ không được phép ra tay đánh đập nhu kẻ vũ phu.

    Người vợ phải có tinh thần thuận tùng, nghĩa là phải biết dung hòa với chồng để tạo dựng hạnh phúc gia đình. Giả sử có đôi khi bất đồng ý kiến thì vợ chồng cũng nên nhường nhịn lẫn nhau, chồng nói vợ nghe, vợ nói chồng nghe, phân trần điều hơn, lẽ thiệt. “Tương ỷ, tương y” để hòa thuận trong vòng lễ nghi đạo đức, đó là điều tốt nhất, chẳng nên lời qua tiếng lại để rồi sinh việc bất hòa, mà vợ chồng bất hòa thì gia đình tan nát.

    Phận gái trọng nhất là trinh tiết, bởi vậy người phụ nữ có thân phải giữ lấy thân, mỗi ngày phải làm tăng giá trị của mình thêm cao lên mãi. Tục ngữ nói: "Đi ngang đám dưa không nên sửa dép. Đi ngang cây lý không nên sửa mũ". Đại ý câu này khuyên nguời ta hành vi, ăn nói, đi đứng phải đoan trang nhất là phải tránh những cử chỉ nào làm cho người khác ngờ vực, cũng như đi ngang đám dưa thì không nên sửa dép, hoặc đi ngang cây lý thì không nên sửa mũ, vì làm như thế, người ta sẽ dễ ngờ rằng mình bẻ trộm dưa, hay hái trộm lý. Tề gia nội trợ là phận sự của người phụ nữ, cho nên người vợ phải chăm nom việc nhà, trong nhà thiếu đủ phải biết, còn hết phải hay, sắp đặt an bài mọi sự, ăn ở cần kiệm và phải biết quý trọng đồng tiền của chồng làm ra. Của chồng công vợ, vợ chồng cùng chung lo tạo dựng hạnh phúc gia đình.

    Tóm lại, hôn nhân là sự kết hợp đôi tâm hồn, bước đầu là sự luyến ái chân thành giữa người nam và người nữ để đi đến gắn bó ân nghĩa, trăm năm, trọn đời chung sống. Sự chung sống trọn đời không đơn thuần ở tình yêu mà còn thêm tinh thần trách nhiệm, ràng buộc bằng đạo nghĩa con người với thiên chức làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ, chu toàn nghĩa vụ với đạo, với đời.Giáo luật đạo Cao Đài cũng cấm việc có vợ hai, vợ ba hoặc có hầu thiếp, trừ trường hợp vợ cả không sinh con, bằng lòng đứng ra tìm người thay thế mình để sinh con nối dõi cho gia đình chồng thì lúc đó người chồng mới có quyền cưới thêm vợ lẽ. “Trừ ra có ngoại tình hay là thất hiếu với công cô, vợ chồng người Đạo không được bỏ nhau” (Điều thứ mười Tân Luật Đại Đạo).

    Theo giáo lý Cao Đài, giáo dục thế hệ mầm non là một việc hết sức quan trọng, không phải đợi đến khi đứa trẻ lớn khôn mới bắt đầu dạy dỗ màngười mẹ phải ý thức được trọng trách "truyền thần" của mình ngay từ khi bào thai vừa mới được hình thành. Người mẹ giữ vai trò sản sinh ra nhân loại, phép uốn nắn trẻ thơ nơi tay người không ít, tinh thần của người mẹ trong khi mang thai như thế nào thì đứa con sẽ chịu ảnh hưởng giống như thế đó. Trong quyển Phương Tu Đại Đạo, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đã chỉ dạy tín đồ Cao Đài rằng:

    Trí cao thượng nhiễm từ trong bụng,
    Con đẻ ra chắc đúng bực thông minh.
    Tỷ khác nào tấm kiếng chụp hình,
    Có bóng chói đã in mọi vật.

    Bởi vậy, trách nhiệm tạo ra những đứa con thông minh, khỏe mạnh trong tương lai bằng cách chính cha mẹ chúng phải thể hiện tinh thần thanh cao, hướng thượng để tinh thần ấy nhiễm vào bào thai từ từ. Ðành rằng sự phát triển của đứa trẻ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, nhưng một khi đã hiểu đạo lý, con người vẫn có thể chủ động được phần nào tương lai của mình bằng thái độ tích cực, loại trừ những mầm mống của đau khổ vào bất cứ lúc nào có thể làm được, để đào tạo một thế hệ tương lai vừa có tài, vừa có đức.

    Sau khi chào đời, sự uốn nắn tinh thần đứa trẻ vẫn luôn phải tiếp tục, những lời hát ru của người mẹ vừa đạo đức, vừa xây dựng một ý thức sống thanh cao, hướng thiện ăn sâu vào tiềm thức của đứa trẻ chắc chắn sẽ hình thành nhân cách tốt khi đứa trẻ trưởng thành. Ngoài ra, cha mẹ cũng phải tập cho đứa trẻ có những thói quen tốt trong sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi cho có giờ giấc ngay từ lúc mới chào đời.

    Muốn xã hội ổn định, tiến bộ, trước tiên phải hoàn thiện gia đình. Gia đình không đơn thuần là nơi nghỉ ngơi cho các thành viên sau một ngày làm việc mệt nhọc, mà là nơi trẻ em được giáo dục, nuôi nấng để lớn lên thành người. Sự trưởng thành của các thành viên trong gia đình không phải chỉ do yếu tố vật chất mà quan trọng hơn cả là yếu tố tâm lý, tình cảm. Đây là nơi mà mọi người phải sống chung, sống thật với nhau qua những năm dài tháng rộng, họ không thể che giấu cái hay, cái dở của nhau. Chính cái hòa khí, hạnh phúc và đầm ấm của gia đình sẽ hấp dẫn con trẻ trở về với mái ấm. Trong gia đình, cha mẹ là người gần gũi các con hơn ai hết. Họ là những người quyết định sự tồn vong của xã hội trong việc giáo dục những công dân tương lai của quốc gia, những thành viên tương lai của thế giới.

    Trong việc giáo dục con, trước tiên bậc làm cha mẹ phải nêu gương tốt cho con "Phụ từ" mới dạy con "tử hiếu": “Sắp nhỏ là tương lai đất nước, chúng nó tốt xấu nên hư đều do nơi mấy bà mẹ đào tạo…phải biết dạy dỗ đặng tạo đời, nên hay hư tương lai của nòi giống chủng tộc là “do mấy bà mẹ” Trẻ con sơ sinh bắt chước cha mẹ nhiều hơn hết, gia đình nào mà không tôn trọng nhau, gây gổ bất hòa khinh rẻ nhau là gương xấu cho con đó,…”. (Bài thuyết đạo của Đức Hộ Pháp tại Trí Giác Cung ngày 17 tháng 7 năm Mậu Tý -1948)

    Phải dựa trên nền tảng đạo đức, thuần pho mỹ tục của dân tộc, không thể dạy con những mưu mô xảo quyệt để hại người mà mưu lợi cho mình.

    Bậc làm cha mẹ cũng phải biết khám phá năng khiếu của con mình để hướng dẫn con cái phát huy tài năng. Dùng tình thương để sửa đổi tật xấu, làm sao cho con cái thích sống trong gia đình, luôn xem gia đình là tổ ấm.Trẻ con thời nay dễ bị ảnh hưởng của xã hội nên ngoài tình thương, bậc làm cha mẹ phải làm cho con nể phục. Cha mẹ cần hiểu, biết trước mọi thắc mắc, mọi tình huống xảy ra cho con mình. Nếu không, dần dần chúng cảm thấy gia đình, cha mẹ không là điểm tựa cần thiết cho cuộc đời của chúng, dễ làm cho chúng rơi vào những cạm bẫy ngoài xã hội.

    Đối với con, cha mẹ cũng có quyền, nhờ con nuôi dưỡng lúc về già, nhờ con giúp đỡ việc nặng nề "Dưỡng nhi đãi lão" (Nuôi con để nhờ lúc về già). Nhưng cha mẹ muốn dùng quyền hành ấy, trước phải làm xong nghĩa vụ của mình, tức là nuôi con, dạy con cho nên người. Trái lại, nếu cha mẹ không làm tròn bổn phận mình, mà cứ sai con, mắng con và bắt nó phục vụ cho mình như thế là bất công và là thất phận cha mẹ.

    Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên hợp tác với nhà trường hay cơ quan Ðạo bằng cách theo dõi, nhắc nhở con cái mình thực hiện những điều đã được hai nơi ấy chỉ dạy, giảng giải thêm cho con em mình những điều chúng đã học mà chưa nắm vững hết ý.

    Tóm lại, giáo lý đạo Cao Đài cho rằng, tương lai của dân tộc và nhân loại ra sao một phần lớn phụ thuộc vào sự ý thức chín chắn của cha mẹ trong đời sống hôn nhân và sự giáo dụccon cái. Trong đó, vấn đề giáo dục tốt con em mình là một vấn đề rất quan trọng, đó là phương cách xây dựng nền tảng nhân lực tốt cho quốc gia và tôn giáo. Mỗi gia đình là một xã hội thu nhỏ, là nền tảng và là nơi vun đắp cho tương lai của xã hội. Một quốc gia có nhiều công dân tốt thì quốc gia ấy sẽ trở nên phú cường an lạc. Một tôn giáo có nhiều tín đồ tốt thì tôn giáo đó sẽ nhanh đạt đến cứu cánh của mình. Quan điểm của đạo Cao Đài về vấn đề hôn nhân gia đình và giáo dục con cái vừa bảo đảm gìn giữ các giá trị của gia đình truyền thống vừa phù hợp với xu hướng của gia đình hiện đại ngày nay./.
    Last edited by kiennguyen; 14-08-2013 at 10:53 AM.
    NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.

  2. #2

    Mặc định

    Bài này mang một ý nghĩa ẩn mà tác giả muốn nói đến đó là vấn đề đang dần sửa đổi luật hôn nhân gia đình!

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 19-02-2013, 10:00 PM
  2. Phật và chư Thiên-Thế giới quan của Đạo Phật
    By Cửu Phẩm Liên Hoa in forum Đạo Phật
    Trả lời: 18
    Bài mới gởi: 08-06-2012, 01:28 PM
  3. Trả lời: 22
    Bài mới gởi: 01-06-2012, 11:51 AM
  4. Trả lời: 7
    Bài mới gởi: 24-11-2011, 12:30 PM
  5. Trả lời: 48
    Bài mới gởi: 29-04-2011, 12:15 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •