Khi có ý định gặp Bảy Nhu, tôi nghĩ lung lắm. Làm sao gặp được Bảy Nhu thuận tiện nhất? Buổi tối, tôi dạo bộ trên cầu cảng của Sở chỉ huy Vùng 5 Cảnh sát biển. Nhìn hàng trăm ánh đèn lấp lóa của tàu cá neo đậu trong vịnh An Thới với sự bình yên xứ đảo, không làm tôi nguôi ngoai những suy nghĩ về hàng ngàn chiến sĩ cách mạng hy sinh, mất tích… trong cái địa ngục trần gian khổng lồ - trại tù binh Phú Quốc. Hiện tại, hơn 3/4 trong số họ vẫn chưa tìm thấy hài cốt, đang vùi sâu đây đó khắp nơi trên đất đảo này, hay dưới biển khơi sâu thẳm? Cuộc tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ chắc chắn sẽ còn là một hành trình dài...

Bất chợt, một ý tưởng lóe lên: Mình nên đến nhà Bảy Nhu một mình. Trước đây các đoàn đến nhà, có thể do đông người, ông ta ngại không nói hết? Giờ đi một mình, may ra...

Sáng sớm, được người dân địa phương chỉ đường, tôi lội bộ vượt dốc, theo con đường mòn lở xói, lổm ngổm những ổ gà, tìm đến nhà Bảy Nhu. Ông Bảy Nhu có ở nhà. Ông tiếp người lạ với vẻ không vồn vã. Thú thực, khi ngồi trước mặt Bảy Nhu, tôi rất phân vân nên bắt đầu câu chuyện như thế nào. Phía sau con người này là gì? Sau khi đất nước thống nhất, chính quyền Mỹ đã 4 lần đề nghị Bảy Nhu nhập cảnh qua Mỹ nhưng không hiểu vì lẽ gì ông ta không đi, lại ở lại ngay cạnh nhà tù...?

- Ông Bảy năm nay bao nhiêu tuổi rồi? Tôi bắt đầu câu chuyện rất tự nhiên sau lời giới thiệu về mình.

- Ừa, tui đã 82 tuổi rồi. Thấy tui cao tuổi, mấy người bà con ở Đồng Tháp nhiều lần khuyên tui về bên ấy sống, nhưng tôi không về.

- Ở Đồng Tháp sao, huyện nào vậy ông Bảy? Tôi hỏi.

- Tháp Mười chú à!

- Đó là vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều người làm cách mạng, giúp đỡ cách mạng. Vì sao ông lại đi phục vụ cho chính quyền ngụy?

- Hai em trai tôi, cháu tôi, dâu… cũng đều tham gia hoạt động cách mạng đấy chứ. Riêng tôi bị tổng động viên đi lính cho Pháp từ lúc 20 tuổi, sau đó làm cho chính quyền ngụy. Đầu năm 1968, tôi được điều ra Phú Quốc khi Trại tù binh cộng sản Phú Quốc mới được Chính quyền Sài Gòn thành lập. Hồi đầu, chỉ huy nhà tù để ý tôi dữ lắm vì gia đình có người theo cách mạng. Vì thế tui mới cố làm việc để chúng khỏi nghi ngờ.

Ông Nhu ngụy biện. Tôi nghĩ thầm, nhưng lại hỏi Bảy Nhu theo hướng khác.

- Vậy sau khi thống nhất, có nhiều người làm trong trại tù binh đã bằng cách này hay cách khác vượt biên, rời khỏi đất nước vì ngộ nhận sẽ bị trả thù. Sao ông không đi?

- Tôi có quá nhiều tội lỗi với Tổ quốc. Sau khi Sài Gòn được giải phóng ngày 30-4-1975 thì ngày 14-5-1975, cán bộ đến gọi tôi đi học tập cải tạo, đến năm 1979 thì xong. Nhiều năm sau khi giải phóng, tôi ít đi ra ngoài. Hồi ấy, nói thiệt với chú, cứ mỗi lần có đoàn nào vào nhà, tôi thót cả tim. Lúc ấy, tôi nghĩ, liệu mình có bị bắt tiếp không? Rồi nữa, những tù binh từng bị tôi tra tấn, liệu có ngày nào họ quay trở lại trả thù? Nhưng sau này tôi mới hiểu hết chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, những tù binh cũ trở lại đều đến với tôi bằng cả tấm lòng vị tha, sự bao dung lớn lao

Bảy Nhu kể cho tôi nghe lần ông gặp anh Lê Xuân Cát (hiện nay đang ở thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) một trong 21 người đào thoát khỏi nhà tù vào đêm 20-1-1969 bằng cách đào đường hầm dài 120 mét tại khu giam do ông quản lý: “Lần ấy, Ban chỉ huy, giám thị không hiểu bằng cách nào mà các tù binh lại đào hầm một cách tài tình và bí mật trong suốt thời gian dài. Hồi trùng tu khu di tích, Ban quản lý Di tích nhà tù Phú Quốc nhờ tôi tham gia góp ý và chỉ vị trí đường hầm nêu trên. Và thật tình cờ, dịp đó, anh Cát cũng ra thăm khu di tích nhà tù Phú Quốc. Khi giáp mặt, anh Cát nhận ra tôi ngay, đối xử với tôi như người thân lâu ngày gặp lại và nhắc về vụ vượt ngục chấn động ấy. Cách cư xử của anh Cát làm tôi hổ thẹn về tội lỗi của mình quá, không dám nhìn thẳng vào anh. Lúc ấy, tôi sợ đối diện với sự thật trong quá khứ, sợ nụ cười đầy bao dung anh ấy dành cho tôi. Tôi có mạnh dạn hỏi anh Cát là làm sao các anh đào hầm được? Anh Cát có kể với tôi rằng: “Đợt ấy, nhóm của tôi đào suốt 5 tháng trời. Lúc đầu, tính đào hầm thẳng ra đường lộ cho gần, nhưng sau đó phát hiện gần lộ có chốt quân cảnh, nên anh em phải đào ngược lại rất khó khăn. Để giấu đất, chúng tôi dùng dây màn buộc hai ống quần chặt vào chân. Đào đến đâu bỏ đất vào ống quần. Sáng ra đi tắm, xả nước cho chảy ra ngoài...”.

Càng đi sâu vào câu chuyện với Bảy Nhu, tôi càng được gợi mở về những thông tin, trước đây chưa sách báo nào nói đến, có thể phục vụ cho công tác xác định và tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Bảy Nhu tiếp tục câu chuyện đang kể. Ngoài trời, những tia nắng đã hắt vào hiên nhà sau cơn mưa, ký ức nhà tù hiện rõ mồn một...

- Chế độ đối với tù binh ngày càng siết chặt. Ai hội họp, treo biểu ngữ, rải truyền đơn… đều bị đối xử bằng vũ lực, vũ khí, cắt phần ăn. Ai vượt ngục, nếu phát hiện sẽ bị bắn chết ngay.

- Những tù binh chết trong tù được chôn cất như thế nào? Tôi ngắt lời ông Nhu.

- Trong trại giam có một người phụ trách việc này. Bây giờ tôi không thể nhớ tên. Ông này sau 1975, có ở lại Phú Quốc, bị bệnh lao rồi chết. Hồi ấy, khi có tù binh chết, người phụ trách chôn cất, hai viên quân cảnh đi theo bảo vệ và 4 người tù đi xe tải đưa người tù hy sinh ra nghĩa địa. Trước năm 1971, khi chôn cất không có bia mộ. Thi hài chỉ được bọc chiếu, tấm ni lông, bao bố.

Sau này quy tập liệt sĩ, có trường hợp tìm thấy cả di vật ghi tên, ngày mất, quê quán ở trong hài cốt hoặc trên mộ, anh biết vì sao không? Là do mấy anh bạn tù đi theo lúc chôn thường lén bỏ miếng tôn khắc hoặc vẽ tên, quê quán, ngày mất vào chôn cùng. Lúc đi chôn, mấy viên quân cảnh và người phụ trách rất sợ bị du kích phục kích, thường chỉ chú ý đến quan sát, cảnh giới, chứ ít để ý đến việc chôn lấp ra sao. Hố đào xong, mấy người tù lén bỏ những miếng tôn đó vào huyệt, hoặc nhét vào thi hài bạn tù. Chôn xong, là nhanh chóng ra về...

Khi nghe Bảy Nhu nói đến chi tiết này, tôi chợt nhớ đến những hiện vật trưng bày tại Di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc được tìm thấy trong quá trình quy tập hài cốt liệt sĩ nhà tù Phú Quốc. Đó là những tấm tôn, đế dép cao su, mảnh gạch hoặc mảnh gỗ, lọ thuốc… được khắc, bỏ thông tin về tên tuổi, quê quán, ngày hy sinh vào… Hóa ra, là do các bạn tù làm, chôn theo thi hài liệt sĩ. Nhờ đó, giúp lực lượng quy tập xác định được thông tin về liệt sĩ. Như trường hợp, nhờ chiếc dép tìm được khi khai quật mới xác định được liệt sĩ Đặng Hồng Sơn (tức Đặng Thái Lập hay Hoàng Sơn), sinh năm 1945 ở số 3/4 phố Đội Cấn, Hà Nội, nguyên là chiến sĩ công binh thủy, hy sinh ngày 20-2-1971 trong trại giam. Các bạn tù đã khắc những chi tiết trên vào đế chiếc dép cao su và xỏ vào chân anh Sơn khi đưa anh ra nghĩa địa. Trong những ngày tháng bị chế độ tù đày, những người bạn tù, những đồng đội vẫn cố gắng để lại những thông điệp cho ngày mai. Họ vẫn luôn tin rằng lịch sử sẽ sang trang, chính nghĩa sẽ thắng, đất nước sẽ thống nhất để thế hệ mai sau có thể trả lại tên cho các chiến sĩ cách mạng kiên trung, giữ vững khí tiết cách mạng nơi tù ngục bạo tàn.

Trở lại câu chuyện, Bảy Nhu kể: “Mãi đến năm 1971, nhà tù mới có chính sách làm bia mộ, khu nghĩa địa chôn cất tù binh cộng sản được dựng cổng bằng hai cây gỗ thông, treo tấm bảng ghi: “Nghĩa địa tù binh cộng sản”. Cả khu vực rộng hơn 11.000m2. Tôi nhớ rõ, trước 1968, một phần của khu nghĩa địa đã bị ủi phẳng một lần, vì thế những lần quy tập hài cốt sau này mới có tình trạng phát hiện nhiều lớp hài cốt liệt sĩ ở độ sâu 3-4 mét. Năm 1985, ông Dương Tấn Đấu (Tư Đấu), Phó trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Phú Quốc mời tôi cùng tham gia giúp quy tập liệt sĩ. Tôi đồng ý và có nói với ông ấy rằng, còn rất nhiều hài cốt chưa được tìm thấy. Tôi kể một câu chuyện này để thấy tù binh cộng sản bỏ xác trong rừng còn nhiều. Đó là một đợt vượt ngục ở miếu Cô Sáu. Bữa đó, các tù binh được đưa lên dốc Cô Sáu. Lợi dụng khi xe mất trớn đang ngừng lại để gài số lấy đà vượt dốc, mọi người lao vào giết 3 quân cảnh và giám thị, tài xế rồi tẩu thoát vào rừng. Chỉ 10 phút sau, còi báo động ầm vang. Trực thăng được điều động truy lùng. Khi phát hiện được tù binh, máy bay đã bắn chặn đầu, khóa đuôi, không lối thoát. Những người bị trúng đạn chết vùi trong rừng nên sau này rất khó tìm kiếm, quy tập hài cốt. Hơn nữa, có những trường hợp việc chôn cất lén lút, mà ngay cả nhiều người trong trại giam không biết như trường hợp ở đồi 37.

Ông Bảy Nhu đã kể lại trường hợp này: Đó là vào năm 1985, ở đồi 37, thuộc ấp 4, thị trấn An Thới có ông lão làm rẫy phát hiện có rất nhiều gò mả. Nhưng ông không kể với ai. Có bận, tôi tình cờ ghé thăm. Ông lão dẫn tôi ra rẫy bảo:

- Anh Bảy à, ở rẫy nhà tôi sao có nhiều mả quá. Hồi anh còn ở trong trại tù binh có nghe đến khu này không?

- Không. Làm gì có khu nghĩa địa nào ngoài khu đồi 100! - Tôi trả lời vậy. Nhưng khi ông lão dẫn tôi ra xem thì đúng thật, có rất nhiều ngôi mộ. Sau đó, tôi liên lạc ngay với anh Tư Đấu báo tin, chính quyền địa phương cất bốc được 22 hài cốt liệt sĩ.

- Tổng cộng cả đồi 37 và đồi 100, đến lần tìm kiếm đang thực hiện mới chỉ có khoảng 1.000 liệt sĩ. Trong khi các số liệu trước đây công bố là con số 4.000 người chết. Tôi tỏ vẻ thắc mắc.

- Tôi không nắm được con số tổng thể. Những con số thì cần phải kiểm chứng. Những liệt sĩ chưa tìm thấy thì cần tiếp tục tìm, quy tập. Nhưng thực tình việc này lúc đó rất khó biết chính xác. Nhất là trước năm 1969, tình hình hỗn loạn mà. Theo đánh giá của tôi, số tù binh chết hơn 2.000 người. Bảy Nhu nói.

Tôi định ngắt lời Bảy Nhu, nhưng rồi khựng lại, chợt nghĩ đây không phải là lúc tranh luận. Về số liệu tù binh hy sinh, tôi xin để dành ở một bài viết khác.

Bảy Nhu nói tiếp:

- Bây giờ, tôi cố giúp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ để chuộc lỗi. Hơn nữa, tôi không muốn nhắc lại chuyện cũ nên có nhiều người hỏi chuyện về những năm tháng ở trại tù binh Phú Quốc, nhưng tôi không nói. Tôi biết mình sai và cố gắng sửa trong mấy chục năm qua. Tôi không về Tháp Mười hay đi Mỹ để sống cũng vì lẽ đó.

Giọng ông Nhu khàn đục, vẻ mặt ân hận, mệt mỏi. Trước hiên nhà, nắng trưa đổ gay gắt trên nền đất sũng nước sau cơn mưa. Tiếng máy cuốc của đội K92 nổ đều đều trên đồi 100 chợt vọng lại trong gió rừng tràm. Đã đến lúc tôi phải ra về. Những thông tin ông Nhu vừa bộc lộ gợi cho tôi một hướng tìm kiếm khác...