Xem cái rổ kia kìa

Anh chàng nọ được nhà láng giềng đồng ý gả con gái cho, nhưng ông nhạc còn muốn thử thách vài lần nữa, để xem cái tài học hành của anh ra sao. Thực ra thì anh cũng vào loại chăm chỉ thôi, chứ cái tài hoa, mẫn tiệp thì anh thiếu hẳn. Thế mà ngày mai đây, đã phải đến ứng đối ở nhà ông bố vợ tương lai rồi. Ông già này hẹn tổ chức một bữa tiệc mời các thầy nho sĩ quanh thành Thăng Long đến dự, để nhân tiện giới thiệu và cũng kiểm tra luôn chàng rể thí sinh này.

Chàng trai tìm đến cậu Lượng, nhờ cậu nghĩ hộ cách đối phó thế nào cho qua phút thử thách. Cậu Lượng cười:

- Thôi, bác đừng lo nghĩ quá. Hôm ấy đi với bác, có gì tôi sẽ "gà" cho.

- "Gà" thế nào được? Ngay giữa đám đông, mười mắt trông vào như thế thì gà làm sao cho khỏi lộ. Có khi bác làm cho tôi lòi cái dốt ra.

- Bậy, ai lại thế. Tôi dặn bác điều này. Nếu ông già có giở chữ nghĩa gì thì bác cứ trả lời lơ lửng rồi tôi sẽ pha thêm cho. Nhớ là nói rất ít, nói một hai chữ thôi cũng được.

Anh bạn tuy thuận theo mẹo mực này, nhưng vẫn cứ lo lắng, thấp thỏm. Quả nhiên, hôm đến dự tiệc, ông nhạc tương lai của anh đọc một câu đối. Ông nói với mọi người:

- Câu đối dân gian thôi ạ! Nhưng tôi nghĩ mãi không ra. Nhân được các thầy quá bộ đến chơi, xin nhờ tài văn chương của các thầy.

Nói là nhờ thầy, song ông lại đưa mảnh giấy viết về câu đối cho chàng rể tương lai. Rõ ràng ông ta có ý bắt anh đối cho mọi người đều nghe. Câu đối viết:

Giậu rào mắt cáo, mèo chui lọt.

Quả là dân gian, mà lại cũng oái oăm. Đã giậu lại rào, đã mèo lại cáo. Mắt cáo cũng có hai nghĩa: mắt con cáo, và hình dáng cách thức tấm phên. Anh em nho sĩ nhìn vào vế đối, lẩm nhẩm rồi cũng lắc đầu cảm thấy khó. Chàng rể dự bị kia càng hoang mang hơn. Cậu Lượng ngồi bên cạnh nói nhỏ:

- Ông ấy ra cái dậu đấy, đối đi thôi!

Đối đi! Nhưng đối cái gì mới được chứ. Nhìn quanh nhìn quẩn, chợt thấy cái rổ thủng úp bên gốc cây ngoài vườn, anh ta nói liều:

- Xem cái rổ kia kìa!

Cả đám tiệc thiếu cái bò ra mà cười. Anh chàng này nói năng, đối đáp gì mà cù nhầy như vậy. Ông cụ cũng ngạc nhiên, nhìn trân trân vào anh ta. Cậu Lượng, trái lại gật gù và thốt lên:

- Hay quá!

Một anh khác hỏi ngay:

- Bác thấy hay chỗ nào? Đại huynh đây có đối đáp gì đâu mà bảo là hay?

Cậu Lượng đứng dậy:

- Xin phép cụ và xin phép chư hiền. Tôi thấy hay thực. Anh bạn tôi vốn tính khiêm nhường ít nói, nhưng đã nói là sâu sắc, tài tình. Cùng học với nhau, tôi biết tính anh nên mới hiểu được cái tài xuất sắc của anh. Dạ thưa cụ, như cụ ra về cái giậu, mà bạn tôi lại đối lại bằng cái rổ thì thật là thâm thúy giỏi giang. Dạ, giậu rào mắt cáo, mèo chui lọt, thì cái rổ bị rách một chỗ như thế kia, chẳng thành ra: "Rổ nứt lòng tôm, tép nhảy qua". Còn gì hay hơn nữa!

Tất nhiên cả đám cũng đều phải công nhận là tuyệt tác. Buổi tiệc vui hẳn lên, ông cụ cũng thỏa mãn vì kiếm được rể hay chữ, xứng đôi với con gái mình. Đám cưới không bao lâu được tổ chức và cậu Lượng cố nhiên được đền ơn xứng đáng.

Cậu Lượng ấy là người làng Phú Thụy, huyện Gia Lâm (Hà Nội) thuộc dòng họ Nguyễn Huy, vốn nổi tiếng thần đồng. Lớn lên thi đỗ hương cống, được làm quan với triều Lê, sau theo giúp Tây Sơn, đồng thời với các ông Ngô Thì Nhậm, Phan Huy ích. Năm 1805, giữ chức hữu thị lang bộ Hội, đã làm bài Tụng tây hồ phú để ca ngợi đất nước, ca ngợi Thăng Long thịnh cường rực rỡ dưới triều Tây Sơn. Cho đến nay, giá trị văn chương của bài phú Tây Hồ này vẫn được đánh giá cao, và cùng tồn tại với tác giả của nó: Chương lĩnh hầu Nguyễn Huy Lượng.

HELLBOY (st).